- Nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, ĐB Vũ Tiến Lộc (TP Hà Nội) nhấn mạnh: Đằng sau cộng đồng doanh nghiệp là hàng chục triệu người lao động và gia đình của họ…
Theo ĐB Vũ Tiến Lộc, tình trạng doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì ngày càng gia tăng và đằng sau cộng đồng doanh nghiệp là hàng chục triệu người lao động và gia đình của họ. “Cho nên, khó khăn này không phải chỉ là khó khăn của doanh nghiệp mà khó khăn của người dân và các gia đình của họ” - ĐB Vũ Tiến Lộc nói.
Hơn thế nữa, ông Lộc cho rằng, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì mới chỉ là phần nổi của tảng băng, còn các doanh nghiệp đang hoạt động cũng đang gặp khó khăn chồng chất và đây chính là phần chìm của tảng băng mà chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm.
“Các doanh nghiệp hiện nay đều trong một bức tranh chung, khó khăn lớn nhất của họ chính là thị trường. Thị trường khó khăn, sản xuất hàng ra không bán được và tồn kho gia tăng, thiếu khả năng thanh khoản, nợ dây chuyền, nợ vòng quanh, nợ chồng chất, nợ chồng nợ và tác động dây chuyền ở đây rất lớn” - ĐB Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
ĐB Vũ Tiến Lộc |
Theo ĐB tỉnh Thái Bình, một trong những biện pháp rất quan trọng là dùng chính sách giảm thuế. Để có thể thúc đẩy thị trường đối với doanh nghiệp thì có 2 thị trường là trong nước và thế giới.
Trong khi đó, thị trường thế giới để xuất khẩu hiện đang rất khó khăn do các nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng suy giảm và có nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái; Việc xúc tiến thương mại, đầu tư, mở mang thị trường do vậy sẽ không có tác dụng nhiều.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, gánh nặng cho tăng trưởng bao giờ cũng đặt lên vai người tiêu dùng trong nước và thị trường trong nước, do vậy, tác động và kích cầu thị trường trong nước là một giải pháp vô cùng quan trọng.
“Chúng ta giảm thuế giá trị gia tăng là một giải pháp mà tôi nghĩ là nhằm vào cả 2 đối tượng, một là khoan sức dân, làm cho người dân bớt khó khăn và thứ hai là tác động ngay vào thị trường của các doanh nghiệp” - ông Vũ Tiến Lộc phân tích và cho rằng, đối với ngân sách nhà nước là có điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách này, thậm chí là quy mô rộng hơn.
ĐB Vũ Tiến Lộc đề nghị là tiếp tục giảm 2% thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ và thời gian ít nhất đến hết năm 2024, sau đó quy định một số điều kiện để có thể có tự động gia hạn mà không cần phải trình ra Quốc hội. Cách này sẽ giúp cho các doanh nghiệp và giúp cho người dân, có thể nó sẽ thúc đẩy cho thị trường và nó tạo nên một niềm tin đối với thị trường.
“Khi chúng ta mở rộng phạm vi áp dụng thuế giá trị gia tăng thì có thể là suất thuế thì giảm nhưng vì doanh số của các doanh nghiệp sẽ tăng lên, thị trường sẽ phát triển và như vậy phần thu thì chúng ta sẽ có một phần thu lớn hơn. Năm 2022, tôi thấy chúng ta đã giảm thuế giá trị gia tăng mới chỉ giai đoạn kích hoạt mà đã tăng được 20% doanh số. Như vậy, thuế sẽ tăng lên ở đó và sẽ kéo theo các nguồn thu khác tăng lên. Điều này cũng cần phải được tính vào kế hoạch của chúng ta. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể mạnh dạn để mở rộng áp dụng thuế giá trị gia tăng cho đến hết năm 2024 và có thể mở rộng khi điều kiện cần thiết” - ĐB Vũ Tiến Lộc phân tích.