- Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vừa lên tiếng tiết lộ Ankara đã thẳng thừng từ chối một đề xuất của Mỹ liên quan đến việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 – một thứ vũ khí bảo bối của Nga, cho Ukraine.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm qua (7/5) cho hay, Mỹ đã tiếp cận Thổ Nhĩ Kỳ với hy vọng nước này sẽ cấp cho Washington quyền tiếp cận hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất hoặc chuyển giao chúng cho Ukraine. Ông Cavusoglu nói thêm rằng Ankara đã từ chối yêu cầu với lý do làm như vậy sẽ làm suy yếu chủ quyền và độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ báo Habertürk vào ngày hôm qua (7/5), Ngoại trưởng Cavusoglu kể lại việc Mỹ đã “đưa ra những đề nghị liên quan trực tiếp đến chủ quyền của chúng tôi, chẳng hạn như trao cho chúng tôi quyền kiểm soát S-400 và cung cấp hệ thống vũ khí này cho một nơi khác”.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rõ rằng Washington đã đề nghị Ankara cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine, nhưng Ankara đã thẳng thừng từ chối.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô tên lửa S-400 đầu tiên từ Nga vào năm 2019.
Bình luận về khả năng Ankara quay trở lại chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Washington, ông Cavusoglu khẳng định rằng đất nước của ông không còn quan tâm đến chương trình máy bay chiến đấu đó nữa vì hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ đang chế tạo máy bay quân sự của riêng mình.
Tháng 3 năm ngoái, một số hãng truyền thông phương Tây đưa tin rằng Mỹ đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ “quay trở lại chương trình F-35” để đổi lấy việc “từ bỏ hệ thống S-400 của Nga và cung cấp nó cho Kiev”.
Bình luận về những thông tin nói trên, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rõ rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng hệ thống phòng không tên lửa S-400 là một “thỏa thuận được thực hiện cho chúng tôi”.
“Chúng là tài sản của chúng tôi để phục vụ cho việc phòng thủ của chúng tôi, vì vậy mọi chuyện chấm dứt ở đây,” ông Erdogan nhấn mạnh vào thời điểm đó.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan - ông Fahrettin Altun chỉ ra rằng “những gì phương Tây phải làm là chuyển giao máy bay chiến đấu F-35 và các khẩu đội Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần điều kiện tiên quyết”.
Trở lại năm 2020, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và loại nước này khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 do quyết định của Ankara trong việc mua các hệ thống S-400 từ Nga.
Mỹ từ chối giao máy bay F-35 mà Ankara đã đặt hàng, cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống của Nga “sẽ gây nguy hiểm cho an ninh công nghệ quân sự của Mỹ”.
Việc Ankara mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga đã từng gây ra cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai đồng minh trong NATO là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tháng 9 năm 2017, Nga thông báo đã ký một thỏa thuận trị giá 2,5 tỉ USD với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó Moscow sẽ cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 cho Ankara. Với hợp đồng này, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước thành viên NATO đầu tiên mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga. Hoạt động bàn giao tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được Nga bắt đầu thực hiện từ hôm 12/7/2019. Điều đáng nói là hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước NATO, đặc biệt là Mỹ.
Ankara và Washington đã ở trạng thái đối đầu nhau gay gắt về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 của Nga. Washington giải thích rằng S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và gây ra mối đe dọa với các chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ. Sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng S-400, Mỹ cùng với các đồng minh phương Tây đã tìm mọi cách để phá hợp đồng này. Tuy nhiên, Mỹ đã phải thất vọng trước sự quyết tâm và cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc theo đuổi hợp đồng S-400 với Nga.