- Hàn Quốc đang sử dụng thỏa thuận vũ khí trị giá 13,7 tỷ USD với Ba Lan - thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay của Seoul - để đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp quân sự mà các công ty quốc phòng của hai quốc gia hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vũ khí của châu Âu trong tương lai xa.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc đã tăng lên hơn 17 tỷ USD vào năm 2022 từ mức 7,25 tỷ USD của năm trước đó, khi các nước phương Tây đua nhau trang bị vũ khí cho Ukraine và căng thẳng gia tăng ở các điểm nóng khác như Triều Tiên và Biển Đông.
Thỏa thuận vũ khí đạt được hồi năm ngoái giữa Hàn Quốc với Ba Lan - một thành viên chủ chốt của NATO, bao gồm hàng trăm bệ phóng tên lửa Chunmoo, xe tăng K2, pháo tự hành K9 và máy bay chiến đấu FA-50. Giá trị của thỏa thuận và số lượng vũ khí liên quan khiến nó trở nên nổi bật, thu hút sự chú ý của cả những cường quốc vũ khí lớn nhất thế giới.
Các quan chức Hàn Quốc và Ba Lan cho biết quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ giúp họ chinh phục thị trường vũ khí châu Âu thậm chí vượt ra ngoài cuộc chiến Ukraine, với việc Seoul cung cấp vũ khí chất lượng cao nhanh hơn các nước khác và Ba Lan cung cấp năng lực sản xuất cũng như con đường bán hàng vào châu Âu.
Reuters đã phỏng vấn 13 giám đốc điều hành công ty và quan chức chính phủ, bao gồm cả những người trực tiếp tham gia vào thỏa thuận vũ khí giữa Hàn Quốc và Ba Lan. Những người này cho biết thỏa thuận này cung cấp một kế hoạch chi tiết cho việc sử dụng các quan hệ đối tác công-tư quốc tế và các tập đoàn để mở rộng phạm vi hoạt động của Seoul và đạt được tham vọng trở thành một trong những nước cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới.
"Cộng hòa Séc, Rumani, Slovakia, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và những nước khác từng nghĩ chỉ mua các sản phẩm quốc phòng ở châu Âu, nhưng giờ đây, người ta biết rõ hơn rằng bạn có thể mua với giá thấp và được giao hàng nhanh chóng từ các công ty Hàn Quốc," ông Oh Kyeahwan - giám đốc của Hanwha Aerospace – một công ty tham gia vào thỏa thuận với Ba Lan, cho biết.
Các công ty Hàn Quốc không tiết lộ đơn giá vũ khí của họ, thường được bán kèm theo phương tiện hỗ trợ và phụ tùng thay thế.
Hanwha Aerospace đã chiếm 55% thị phần thị trường lựu pháo toàn cầu - con số này sẽ tăng lên khoảng 68% nhờ thỏa thuận với Ba Lan, theo nghiên cứu của NH Research & Securities.
Ông Lukasz Komorek, Giám đốc Văn phòng Dự án Xuất khẩu tại Tập đoàn Vũ khí Ba Lan thuộc sở hữu nhà nước cho biết, thỏa thuận đã thiết lập các tập đoàn hợp tác gồm các công ty của Hàn Quốc và Ba Lan. Những tập đoàn được lập ra sẽ chế tạo vũ khí, bảo dưỡng máy bay chiến đấu và cung cấp khuôn khổ để cuối cùng cung cấp vũ khí cho các quốc gia châu Âu khác.
Điều đó sẽ bao gồm việc chế tạo vũ khí của Hàn Quốc theo giấy phép ở Ba Lan, các quan chức ở Seoul và Warsaw cho biết. Các kế hoạch đưa ra là sản xuất 500 trong số 820 xe tăng và 300 trong số 672 lựu pháo tại các nhà máy Ba Lan bắt đầu từ năm 2026.
“Chúng tôi không muốn chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ, nhà cung cấp chuyển giao công nghệ và người mua,” ông Komorek nói. "Chúng tôi vừa có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp vừa sử dụng kinh nghiệm của mình để chinh phục thị trường châu Âu."
Nhà phân tích quốc phòng và hàng không vũ trụ tại Agency Partners có trụ sở tại Anh Sash Tusa cho biết mặc dù cả hai nước đều có nền công nghiệp quốc phòng vững chắc, nhưng các kế hoạch dài hạn sẽ gặp trở ngại. Theo ông này, các luồng gió chính trị có thể thay đổi, làm giảm nhu cầu đối với các loại vũ khí như lựu pháo và xe tăng.
Cũng theo ông Tusa, ngay cả khi sản xuất và nhu cầu ổn định, các nước châu Âu có thể muốn có các thỏa thuận của riêng họ với Hàn Quốc giống như những gì Ba Lan có - các thỏa thuận hợp tác sản xuất có thể tạo ra việc làm và kích thích ngành công nghiệp.