- Ngày 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2023. Phiên họp thảo luận, cho ý kiến đối với 2 nội dung: Việc lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội; việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trước mắt phải tập trung các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua 18 dự án luật, pháp lệnh. Đây là khối lượng công việc lớn, công tác chuẩn bị phải khẩn trương, kịp thời, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng.
Thủ tướng cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, thời gian ít, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, do đó phải tập trung lắng nghe ý kiến của nhân dân, hoàn chỉnh và báo cáo Quốc hội. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng rất cấp bách vì lĩnh vực bất động sản có nhiều vấn đề "nóng" phải tiếp tục từng bước giải quyết.
Thủ tướng yêu cầu trước khi trình và các luật có hiệu lực, nếu thấy các vấn đề nổi lên thì tiếp tục tập hợp, xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền theo quy định để khẩn trương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý.
Theo Thủ tướng, nhiều nội dung của các luật còn những điểm vướng mắc, cần phải tích cực rà soát, sửa đổi. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, phải hết sức lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm. Đồng thời, phải làm tốt công tác truyền thông chính sách trước, trong và sau khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật với sự vào cuộc của các cơ quan soạn thảo và các cơ quan báo chí, truyền thông để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao.
Các ý kiến tại phiên họp đánh giá, việc chuẩn bị, xin ý kiến, tổng hợp ý kiến nhân dân về dự án Luật được tiến hành bài bản, công phu, nghiêm túc. Đến nay, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến đối với dự thảo Luật, các nội dung tập trung vào 4 nhóm nội dung lớn, có nhiều vướng mắc trên thực tiễn: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Kết luận về nội dung Luật Đất đai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc các vấn đề tiếp thu theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan để nghiên cứu luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu các vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, có thể thực hiện thí điểm để đánh giá tổng kết, mở rộng dần; các vấn đề giải trình cần có căn cứ xác đáng, lập luận thuyết phục.
Với các nội dung còn ý kiến khác nhau, cần phân tích rõ ưu, nhược điểm của từng phương án trình cấp có thẩm quyền, thể hiện rõ quan điểm với phương án. Thủ tướng nhắc lại, đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, nên các chính sách phải có bước đi, lộ trình phù hợp, tránh giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.
Trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật cần quán triệt nguyên tắc phát huy tối đa các nguồn lực về cơ chế, chính sách đất đai, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đồng thời có công cụ kiểm tra, giám sát phù hợp, chặt chẽ, tránh bị lợi dụng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ rõ ràng, kết hợp với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sử dụng đất; tránh phiền hà, tăng chi phí về thủ tục tuân thủ các quy định. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật này với các luật có liên quan để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, không để có khoảng trống pháp lý và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định cần tham khảo, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, đặc thù của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần tập trung vào những nội dung có tính nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng đến người dân và xã hội |
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật và về một số nội dung cụ thể như sở hữu nhà chung cư có thời hạn; quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các ý kiến của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào những nội dung quan trọng, phức tạp, có tính nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng đến người dân và xã hội. Đây là những ý kiến có căn cứ cần được nghiên cứu để tiếp thu một cách nghiêm túc, cẩn thận. Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan để tiếp thu, giải trình bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Thủ tướng cũng nêu ý kiến về một số vấn đề cụ thể, trong đó, lưu ý thiết kế các chính sách nhằm tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thủ tướng giao các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội; chủ động truyền thông về các chính sách trong các dự thảo Luật để tạo sự đồng thuận; chọn lọc, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn thiện các dự án Luật; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các dự án Luật theo phân công; trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.