- Đúng dịp 12 năm ngày xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima, Tokyo định đổ hơn một triệu tấn nước phóng xạ xuống biển và Trung Quốc đã lên án gay gắt việc này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án kế hoạch đổ nước thải phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản ra biển. Trong khi ban quản lý nhà máy khẳng định việc xả thải là an toàn, Bắc Kinh muốn Tokyo xin phép các nước xung quanh trước khi tiến hành.
Kế hoạch của Nhật Bản là “cực kỳ vô trách nhiệm”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning đã gay gắt cho biết như vậy trong một cuộc họp báo mới đây.
“Việc xử lý nước nhiễm xạ hạt nhân Fukushima tác động đến môi trường biển toàn cầu và sức khỏe cộng đồng. Đây không phải là vấn đề nội bộ của Nhật Bản,” bà Mao Ning nói với các phóng viên. “Nhật Bản không được tiến hành việc xả nước nhiễm hạt nhân ra đại dương trước khi đạt được sự chấp thuận thông qua tham vấn đầy đủ với các nước láng giềng và các bên liên quan khác cũng như các cơ quan quốc tế có liên quan.”
Bắc Kinh đã đưa ra một số tuyên bố tương tự kể từ khi chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên công bố kế hoạch xử lý nước thải vào năm 2021. Hàn Quốc cũng như một số quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và cộng đồng ngư dân Nhật Bản cũng phản đối kế hoạch này.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị trận động đất và sóng thần mạnh 9 độ richter phá hủy vào ngày 11/3/2011. Ba trong số các lò phản ứng của nhà máy này bị phá hủy nghiêm trọng, giải phóng một lượng lớn nước bị ô nhiễm và khiến hàng loạt người dân phải sơ tán khỏi các khu vực dọc theo bờ biển phía đông của Nhật Bản.
Trong những năm sau này kể từ thảm họa nói trên, Công ty Điện lực Tokyo - đơn vị quản lý nhà máy Fukushima, đã bơm nước vào các mảnh vụn nhiên liệu phóng xạ để ngăn không cho nó quá nóng. Quá trình này tạo ra khoảng 100 tấn nước thải mỗi ngày, được công ty lưu trữ và xử lý trong hơn 1.000 bể bê tông xung quanh nhà máy.
Khi các bể chứa không thể tiếp nhận thêm, chính phủ Nhật Bản hồi tháng 1 xác nhận rằng họ sẽ bắt đầu đổ các bể chứa ra biển vào mùa xuân hoặc mùa hè.