- Tổng thống Vladimir Putin hồi cuối tuần vừa rồi cho biết, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus, phát đi cảnh báo cho liên minh quân sự NATO về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine và leo thang cuộc đối đầu căng thẳng với phương Tây.
Mặc dù việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus không phải là điều bất ngờ và trong khi Tổng thống Putin nói rằng động thái đó không vi phạm các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng đây là một trong những tín hiệu hạt nhân rõ ràng nhất của chính quyền ở Moscow kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine 13 tháng trước.
Mỹ - siêu cường hạt nhân khác của thế giới - đã phản ứng thận trọng trước tuyên bố của Tổng thống Putin. Một quan chức chính quyền cấp cao nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân của mình.
Tổng thống Putin đã ví kế hoạch triển khai vũ khí của mình với việc Mỹ đặt vũ khí ở châu Âu và nói rằng Nga sẽ không chuyển giao quyền kiểm soát cho Belarus. Nhưng đây có thể là lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1990, Nga đặt những vũ khí như vậy ở nước ngoài.
"Không có gì bất thường ở đây cả: thứ nhất, Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các nước đồng minh", ông Putin nói trên truyền hình nhà nước Nga.
"Chúng tôi đã nhất trí với nhau rằng chúng tôi sẽ làm như vậy - tôi nhấn mạnh rằng không vi phạm nghĩa vụ của mình, không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân", ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh.
Căng thẳng gia tăng trong cuộc chiến ở Ukraine sau khi phương Tây cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng cho Kiev và Moscow chuyển từ việc tuyên bố hoạt động quân sự của họ ở Ukraine là để "phi quân sự hóa" nước láng giềng sang thành chiến đấu với "tập thể phương Tây" ở đó.
Một số chính trị gia và nhà bình luận diều hâu của Nga từ lâu đã suy đoán về các cuộc tấn công hạt nhân, nói rằng Nga có quyền tự vệ bằng vũ khí hạt nhân nếu nước này bị đẩy ra ngoài giới hạn của mình.
Các vũ khí hạt nhân "chiến thuật" đề cập đến những vũ khí được sử dụng vì lợi ích cụ thể trên chiến trường hơn là những vũ khí có khả năng quét sạch các thành phố. Không rõ Nga có bao nhiêu vũ khí như vậy, vì đây là một lĩnh vực vẫn còn là bí mật của Chiến tranh Lạnh.
Các chuyên gia đã nói với hãng tin Reuters rằng động thái mới nhất của Tổng thống Putin rất quan trọng, vì cho đến nay Nga vẫn tự hào rằng không giống như Mỹ, nước này không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới của mình.
Quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ lưu ý rằng Nga và Belarus đã thảo luận về việc chuyển giao vũ khí hạt nhân trong một thời gian.
"Chúng tôi không thấy bất kỳ lý do gì để điều chỉnh việc bố trí vũ khí hạt nhân chiến lược của mình cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết phòng thủ tập thể của liên minh NATO", vị quan chức Mỹ cho hay.
Ông Putin không nói rõ thời điểm số vũ khí này sẽ được chuyển tới Belarus, quốc gia có biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Ông chủ điện Kremlin cho biết Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở triển khai vũ khí ở đó trước ngày 1/7.
Ông Hans Kristensen - giám đốc dự án thông tin hạt nhân Mỹ thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết: “Đây là một phần trong trò chơi của Tổng thống Putin nhằm cố gắng đe dọa NATO… bởi vì không có lợi ích quân sự nào khi làm điều này ở Belarus vì Nga có rất nhiều vũ khí và lực lượng này bên trong nước Nga”.
Cũng không rõ vũ khí sẽ được bố trí ở đâu tại Belarus. Việc chuyển giao sẽ mở rộng khả năng tấn công hạt nhân của Nga dọc theo biên giới phía đông của NATO.
Mặc dù Điện Kremlin chưa bao giờ công khai xác nhận điều này, nhưng phương Tây từ lâu đã nói rằng Nga giữ các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Kaliningrad, bờ biển Baltic của nước này nằm giữa NATO và các thành viên Liên minh châu Âu Ba Lan và Litva.