- Trong một cuộc họp báo ở San Diego diễn ra ngày hôm qua (13/3), Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với hai người đồng cấp Australia và Anh đã thông báo rằng Washington sẽ bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên. Thông điệp gửi tới Trung Quốc qua động thái này là rất rõ ràng: Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ vẫn tự do và rộng mở.
Theo thỏa thuận AUKUS - từ viết tắt của quan hệ đối tác ba bên gồm Australia, Anh và Mỹ, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ lần đầu tiên chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân của mình sau 65 năm và là lần thứ hai trong lịch sử. Vương quốc Anh cũng được hưởng lợi từ công nghệ này – một công nghệ cho phép tàu ngầm di chuyển dưới nước trong một khoảng cách dài mà không cần nổi lên mặt nước.
Được thông báo vào năm 2021 và được sắp xếp một cách bí mật, thỏa thuận AUKUS bao gồm việc chính phủ Australia hủy bỏ hợp đồng trị giá 66 tỷ USD mua một hạm đội tàu ngầm thông thường do Pháp chế tạo. Việc hủy bỏ này đã khiến Australia mất nhiều tháng để hàn gắn quan hệ ngoại giao với Pháp sau khi Paris tức giận với động thái của Australia cùng với Anh và Mỹ, miêu tả đó là một hành động đâm sau lưng đồng minh.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Biden giải thích rằng, “để củng cố mối quan hệ đối tác mới này, chúng tôi đang chứng minh lại một lần nữa về cách các nền dân chủ có thể mang lại an ninh và thịnh vượng cho chính chúng ta, không chỉ cho chúng ta mà còn cho toàn thế giới.”
“Tôi tin rằng sự hợp tác ba bên chưa từng có của chúng ta là một minh chứng. . . đối với cam kết chung của chúng tôi về việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn tự do và rộng mở, thịnh vượng và an toàn, được xác định bằng cơ hội cho tất cả mọi người, một cam kết chung để tạo ra một tương lai bắt nguồn từ các giá trị chung của chúng ta,” ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
Bắt đầu từ những năm 2030, với sự ủng hộ và chấp thuận của Quốc hội Mỹ, Washington sẽ bán ba tàu ngầm lớp Virginia cho Australia và có khả năng sẽ bán thêm hai chiếc tàu ngầm nữa nếu cần. Tổng thống Biden giải thích rằng điều đó sẽ khởi động năng lực dưới biển của Australia sớm hơn một thập kỷ so với dự đoán của nhiều người.
“Có một lý do tại sao không phải ai cũng có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Lực đẩy hạt nhân là một công nghệ rất phức tạp. Nó đòi hỏi nhiều năm đào tạo để thành thạo, vì vậy chúng tôi sẽ bắt đầu ngay lập tức,” ông Biden giải thích.
Các lực lượng của Australia sẽ tham gia cùng với các đội ngũ của Mỹ và Anh.
Các tàu ngầm sẽ được trang bị vũ khí thông thường, không phải vũ khí hạt nhân, vì Australia không có vũ khí hạt nhân và cả ba quốc gia đều cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese phát biểu: “Thỏa thuận AUKUS mà chúng tôi xác nhận ở đây tại San Diego thể hiện khoản đầu tư lớn nhất vào năng lực quốc phòng của Australia trong lịch sử của chúng tôi và nó giúp củng cố an ninh quốc gia của Australia cũng như sự ổn định trong khu vực của chúng tôi”.
“Đây là một cam kết ba bên thực sự, cả ba quốc gia đều sẵn sàng đóng góp và cả ba quốc gia đều sẵn sàng hưởng lợi,” ông Albanese nói thêm.
Trong khi đó, theo thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak, những chiếc tàu ngầm này sẽ thực sự có khả năng tương tác với nhau.
“Hải quân Hoàng gia Anh sẽ vận hành các tàu ngầm giống như hải quân Australia và cả hai chúng tôi sẽ chia sẻ các bộ phận và phụ tùng của tàu ngầm với Hải quân Mỹ. Các thủy thủ đoàn tàu ngầm của chúng tôi sẽ cùng nhau huấn luyện, cùng nhau tuần tra và cùng nhau bảo dưỡng tàu ngầm của họ. Họ sẽ giao tiếp bằng cách sử dụng cùng một thuật ngữ và cùng một thiết bị,” ông Sunak cho hay.
Nhà lãnh đạo Anh đã đề cập cụ thể đến “sự quyết liệt ngày càng tăng của Trung Quốc” như một phần động lực thúc đẩy quan hệ đối tác ba bên nói trên. Ông Sunak cũng tuyên bố rằng Vương quốc Anh sẽ tăng dần chi tiêu quốc phòng, với mục tiêu cuối cùng là 2,5% GDP.