- Nam Phi hồi cuối tuần vừa rồi đã phát động các cuộc tập trận hải quân chung với Nga và Trung Quốc, gây ra sự chú ý lớn của cộng đồng quốc tế cùng với các câu hỏi về lòng trung thành của nước này với các đồng minh phương Tây.
Lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Nam Phi và Nga |
Cuộc tập trận quân sự kéo dài 10 ngày, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm một năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, không chỉ biểu thị một thái độ nước đôi của Nam Phi đối với cuộc chiến mà còn cho thấy những nỗ lực của Washington nhằm ve vãn Nam Phi đang thất bại.
"Có một mong muốn thực sự từ phía Nam Phi là tạo ra một thế giới đa cực và có cảm giác thực sự rằng thế giới đã bị làm phương hại bởi tình trạng lưỡng cực hoặc đơn cực", ông Cameron Hudson - một cộng tác viên cao cấp của Chương trình Châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS), đã nhận định như vậy với Fox News Digital.
Ông Hudson giải thích rằng chính sách này có nghĩa là Nam Phi sẽ chọn hợp tác với bất kỳ quốc gia nào phù hợp nhất với mình, bao gồm cả Mỹ, Nga và Trung Quốc bất chấp những khác biệt đối nghịch – một chiến thuật địa chính trị mà các quốc gia phương Tây khó chấp nhận.
Theo ông Hudson, “trong một thế giới đa cực, tất cả các đối tác đều là đối tác hợp lệ”.
Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các nước phương Tây vạch ra những ranh giới địa chính trị, và họ đã kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu lên án cuộc chiến.
Tuy nhiên, Nam Phi - một trong 35 quốc gia năm ngoái bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc nhằm lên án cuộc chiến ở Ukraine, đã quyết định giữ lập trường trung lập.
Ngoại trưởng Antony Blinken hồi đầu trước đã tiến hành một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nam Phi, trong đó hai bên được cho là đã thảo luận về lễ kỷ niệm sắp tới và sự ủng hộ của Bộ trưởng Naledi Pandor đối với một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nam Phi không đề cập đến cuộc tập trận chung ba bên giữa Nam Phi với Trung Quốc và Nga - hai trong số những đối thủ lớn nhất của Mỹ và đang tranh giành ảnh hưởng lớn hơn ở lục địa châu Phi.
Trong một tuyên bố gửi đến Fox News Digital, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi cuối tuần vừa rồi cho biết, Bộ này đã bày tỏ "mối quan ngại" về quyết định của Nam Phi trong việc tổ chức các cuộc tập trận chung với Nga và Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm rằng: “Chúng tôi khuyến khích Nam Phi hợp tác quân sự với các nền dân chủ đồng minh - những nước chia sẻ cam kết chung về nhân quyền và pháp quyền”.
Tuy nhiên, chuyên gia Hudson cho rằng việc vận động hành lang riêng tư hoặc công khai của Washington nhằm ngăn cản quan hệ của Nam Phi với các đối thủ chính của họ có thể chỉ làm phức tạp thêm tình hình.
"Nam Phi không phải là nước duy nhất ở Châu Phi giữ lập trường như vậy. Họ không muốn bị mắc kẹt giữa các cường quốc. Họ muốn có thể lựa chọn và xác định các mối quan hệ bên ngoài của mình và không bị gây áp lực", ông Hudson nói phân tích.
Trung Quốc đã xâm nhập vào khắp lục địa Châu Phi trong nhiều năm qua bằng cách sử dụng các chương trình cho vay khác nhau. Điều này giúp Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng ở các quốc gia nghèo Châu Phi.
Nhưng mối quan tâm ngày càng tăng của Nga đối với lục địa châu Phi khiến các quan chức phương Tây lo ngại.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thăm lục địa này hai lần trong năm nay, bao gồm cả Nam Phi vào tháng Giêng. Đầu tháng này, ông Lavrov tuyên bố rằng phương Tây đã không thành công trong việc cô lập Moscow khỏi châu Phi sau chuyến công du thứ hai của ông.
Ngoại trưởng Blinken đã đến thăm Nam Phi vào tháng 8 năm ngoài. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ Blinken dường như không được chính phủ Nam Phi chào đón nồng nhiệt như Ngoại trưởng Nga Lavrov trong chuyến thăm hồi đầu tháng. Trong một cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Quốc tế của Nam Phi đã cáo buộc Mỹ và các đồng minh phương Tây của họ sử dụng việc bảo trợ để gây sức ép, dọa nạt khi nói đến vấn đề Ukraine.
Trong 20 năm qua, Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 7 tỷ đô la cứu trợ AIDS chỉ riêng cho Nam Phi, không bao gồm hàng triệu đô la viện trợ nhân đạo khác mà Washington tiếp tục cung cấp hàng năm.
Không rõ Nga hoặc Trung Quốc cung cấp bao nhiêu viện trợ cho Nam Phi hàng năm, nhưng ông Hudson giải thích đây là mấu chốt cho những khó khăn của Washington ở châu Phi.
“Chúng ta – Mỹ xem các mối quan hệ của chúng ta ở Nam Phi và với Châu Phi như một loại viện trợ phụ thuộc – đó không phải là một mối quan hệ bình đẳng. Đó là mối quan hệ của người cho và người nhận. Trong khi Nga và Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ bình đẳng," ông Hudson giải thích thêm. "Họ không gửi viện trợ cho các quốc gia này. Họ đang thực hiện các thỏa thuận kinh doanh, họ đang thực hiện các thỏa thuận an ninh, họ đang đầu tư, họ đang xây dựng các liên minh chính trị theo cách mà chúng ta – Mỹ đơn giản là không làm như vậy."