- Mỹ vừa nhắc lại lời cảnh báo rằng nước này sẽ bảo vệ đồng minh theo hiệp ước của mình nếu các lực lượng Philippines bị tấn công ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Lời cảnh báo này được đưa ra sau khi một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc bị cáo buộc tấn công một tàu tuần tra Philippines bằng tia laser cấp độ quân sự, khiến một số thủy thủ đoàn của tàu này bị mù tạm thời trong thời gian ngắn.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trước đó đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines - ông Huang Xilian đến để bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của ông “về tần suất và cường độ ngày càng tăng của các hành động của Trung Quốc nhằm chống lại lực lượng bảo vệ bờ biển và ngư dân Philippines,” Bộ trưởng Truyền thông Cheloy Garafil cho biết nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Bộ Ngoại giao đã gửi riêng một công hàm ngoại giao có lời lẽ phản đối mạnh mẽ tới Đại sứ quán Trung Quốc, trong đó “lên án hành vi theo dõi, quấy rối, các hành động nguy hiểm, chiếu tia laser cấp độ quân sự cùng với những hành động thách thức thông qua tín hiệu radio” của phía tàu Trung Quốc.
Theo các quan chức Philippines, vụ việc xảy ra vào ngày 6/2 khi tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc chiếu tia laze cấp độ quân sự để chặn tàu tuần tra BRP Malapascua của Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây trong nhiệm vụ tiếp tế cho lực lượng Philippines ở đó.
Tàu Trung Quốc cũng có những hành động áp sát một cách nguy hiểm, khoảng 137 mét (449 feet), để chặn tàu tuần tra BRP Malapascua của Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) - một rạn san hô ngập nước đã bị lực lượng Philippines chiếm giữ. Bãi Cỏ Mây là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Mặc dù lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã cố gắng chặn các tàu bảo vệ bờ biển Philippines trong vùng biển tranh chấp trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên họ sử dụng tia laze và gây thương tích cho các thành viên trên tàu Philippines, phát ngôn viên lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines - Đô đốc Armand Balilo cho hãng tin AP biết.
Tuyên bố của Philippines viết: “Tàu Trung Quốc đã chiếu đèn laze màu xanh lá cây hai lần về phía tàu BRP Malapascua, khiến thủy thủ đoàn trên tàu bị mù tạm thời tại đài chỉ huy”. Tàu Philippines buộc phải di chuyển ra khỏi khu vực, nơi nó đang hộ tống một tàu tiếp tế đang vận chuyển thực phẩm và thủy thủ cho một tàu canh gác khác của Hải quân Philippines – tàu BRP Sierra Madre vốn bị mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây từ năm 1999, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho hay.
“Việc cố tình ngăn chặn các tàu của chính phủ Philippines vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm cho các quân nhân của chúng tôi trên tàu BRP Sierra Madre là sự coi thường trắng trợn và vi phạm rõ ràng quyền chủ quyền của Philippines ở khu vực này của Biển Tây Philippines,” tuyên bố của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines gay gắt chỉ trích.
Phản ứng trước cáo buộc của phía Manila, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết một tàu bảo vệ bờ biển Philippines đã xâm phạm vùng biển Trung Quốc mà không được phép. Ông này khẳng định rằng các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã phản ứng “một cách chuyên nghiệp và có sự kiềm chế tại địa điểm phù hợp với luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế,” mà không giải thích hoặc đề cập đến việc sử dụng tia laser.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng, “hành vi hoạt động nguy hiểm của Trung Quốc đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định khu vực, xâm phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông – một quyền được bảo đảm theo luật pháp quốc tế, đồng thời phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
“Mỹ sát cánh bên đồng minh Philippines của chúng tôi,” phát ngôn viên Price nhấn mạnh trong tuyên bố được phát đi.
Ông Price khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines, bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển ở Biển Đông, sẽ dẫn đến việc kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo hiệp ước đã ký với Philippines năm 1951. Hiệp ước bắt buộc các đồng minh phải giúp bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, đặt nước này vào thế đối đầu với các nước láng giềng có chủ quyền ở Biển Đông. Trước đây, lực lượng hải quân Trung Quốc từng bị cáo buộc sử dụng tia laser cấp độ quân sự để chống lại máy bay quân sự Australia đang tuần tra ở Biển Đông và các điểm khác ở Thái Bình Dương.
Bất chấp việc theo đuổi chính sách thân thiện với Bắc Kinh của cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và người kế nhiệm của ông - Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr. - người đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1 tại thủ đô Bắc Kinh, căng thẳng ở Biển Đông giữa Bắc Kinh và Manila vẫn tiếp diễn. Điều này đã thúc đẩy Manila tăng cường mối quan hệ liên minh quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ.
Philippines đã gửi gần 200 công hàm phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp chỉ riêng trong năm 2022.