- Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp đạt được thỏa thuận với hai quốc đảo Thái Bình Dương nhằm mở rộng mối quan hệ được coi là quan trọng để duy trì sự cân bằng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc trong một khu vực mà Bắc Kinh đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao và quân sự của họ.
Palau thể hiện lập trường luôn chào đón Mỹ |
Tuần vừa rồi, Washington đã ký các biên bản ghi nhớ với Quần đảo Marshall và Palau. Giới chức trong chính quyền Tổng thống Biden hy vọng các biên bản ghi nhớ này sẽ mở đường cho việc hoàn thành nhanh chóng các thỏa thuận lớn hơn – những thỏa thuận giúp điều chỉnh quan hệ của quần đảo này với Washington trong hai thập kỷ tới. Những mối quan hệ đó sẽ giúp cho quân đội Mỹ có được các quyền quân sự đặc biệt cũng như các quyền an ninh khác trên các đảo với điều kiện các đảo này sẽ nhận được những nguồn viện trợ lớn từ Mỹ.
Chính quyền Mỹ tin rằng việc mở rộng các thỏa thuận được gọi là “Hiệp ước về Hiệp hội Tự do” sẽ là chìa khóa cho nỗ lực duy trì quyền lực của Mỹ và ngăn chặn sự nổi lên một cách đáng lo ngại của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các bản ghi nhớ được ký trong tuần vừa rồi đã đưa ra một số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ sẽ cung cấp cho Quần đảo Marshall và Palau nếu các thỏa thuận của họ được đàm phán lại thành công. Các cuộc đàm phán về một bản ghi nhớ tương tự với một quốc gia nhỏ hơn - Micronesia, đang diễn ra.
Các thỏa thuận kéo dài 20 năm hiện tại giữa Mỹ với Quần đảo Marshall và Micronesia sẽ hết hạn trong năm nay; đồng thời thỏa thuận hiện tại giữa Mỹ với Palau sẽ hết hạn vào năm 2024 nhưng các quan chức chính quyền Mỹ cho biết họ tin rằng cả ba thỏa thuận có thể được gia hạn và ký kết vào giữa đến cuối mùa xuân này.
Các quan chức Mỹ sẽ không thảo luận chi tiết cụ thể về số tiền liên quan vì các thỏa thuận chưa ràng buộc về mặt pháp lý và vẫn phải được Quốc hội xem xét cũng như phê duyệt như một phần của quy trình ngân sách.
Một hãng tin của Micronesia - Marianas Variety gần đây đưa tin, Quần đảo Marshall sẽ nhận được 700 triệu USD trong bốn năm theo bản ghi nhớ mà họ đã ký. Tuy nhiên, số tiền đó sẽ chỉ chiếm 1/5 trong thỏa thuận kéo dài 20 năm và không bao gồm số tiền mà Palau sẽ nhận được.
Ông Joe Yun - đặc phái viên của Tổng thống Biden về các cuộc đàm phán, cho biết số tiền sẽ lớn hơn nhiều so với những gì Mỹ đã cung cấp trước đây.
Người dân trên các đảo từ lâu đã phàn nàn rằng những thỏa thuận trước đây mà họ đã ký không giải quyết thỏa đáng nhu cầu của họ hoặc không đáp ứng được các vấn đề môi trường và sức khỏe lâu dài do hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Mỹ trong những năm 1950 và 60. Các nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại về việc, kể từ năm 2021 rằng chính quyền Mỹ đã không quan tâm đầy đủ đến vấn đề này.
Ông Yun - người đã ký các bản ghi nhớ với đại diện của Marshalls và Palau hồi tuần trước tại Los Angeles, cho biết Quần đảo Marshall cụ thể sẽ được bồi thường cho những thiệt hại đó và sẽ được kiểm soát cách chi tiêu số tiền đó.
Đổi lại, Mỹ được trao các đặc quyền đặt cơ sở quân sự và an ninh quốc gia duy nhất trong một khu vực mà Trung Quốc đang ngày càng phô trương sức mạnh của mình ở đó.
“Mối đe dọa từ Trung Quốc là không rõ ràng nhưng không nghi ngờ gì về việc Trung Quốc là một nhân tố,” ông Yun đã nói như vậy về các cuộc đàm phán. Trung Quốc không chỉ có sự hiện diện kinh tế lớn và ngày càng tăng trong khu vực, mà Quần đảo Marshall và Palau đều công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao. “Các quần đảo này đều đang chịu áp lực của Trung Quốc”, vị quan chức Mỹ nói.
Trung Quốc đã liên tục chinh phục các đồng minh của Đài Loan ở Thái Bình Dương, bao gồm Kiribati và Quần đảo Solomon vào năm 2019. Bắc Kinh đã giành được sự ủng hộ của Solomons và Kiribati, hai quốc đảo vùng Thái Bình Dương. Giờ đây, khu vực này chỉ còn Palau, quần đảo Marshall, Nauru và Tuvalu công nhận Đài Loan. Mỹ đã công bố kế hoạch vào năm ngoái để mở lại một đại sứ quán ở Quần đảo Solomon - nơi đã ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.