- Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, để ôn thi, làm bài thi đánh giá năng lực năm 2023 đạt hiệu quả cao cần nắm rõ cấu trúc đề thi, nắm chắc kiến thức sách giáo khoa và có kỹ năng làm bài tốt.
Nắm rõ cấu trúc đề thi
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, bài thi đánh giá năng lực được thiết kế có tính toàn diện, ổn định, phân loại. Theo đó, cấu trúc đề, ma trận đề, mức độ khó dễ không thay đổi ít nhất đến năm 2025, bởi xuất phát điểm của kỳ thi là được thiết kế để đánh giá năng lực học sinh tốt nghiệp chương trình THPT. Do vậy, phải ổn định theo hàng năm để thí sinh và phụ huynh tin tưởng.
Dự thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ làm bài trên máy tính, thời gian 195 phút chính thức và có thêm 3-4 phút thử nghiệm không tính điểm. Bài thi chia thành 3 phần:
Phần 1 là tư duy định lượng - khối kiến thức, kỹ năng về toán học, đại số, hình học, giải tích. Mục đích là kiểm tra đánh giá nhóm năng lực giải quyết vấn đề, tư duy logic, tính toán và xử lý số liệu; 50 câu hỏi làm trong 75 phút.
Phần 2 là tư duy định tính - kiểm tra năng lực về tư duy ngôn ngữ, trong đó chủ yếu là phần văn học và ngôn ngữ; 50 câu hỏi làm trong 60 phút.
Phần 3 là khoa học - tổ hợp tự nhiên và xã hội, từ vận dụng thấp đến vận dụng cao, thí sinh phải hiểu và ứng dụng được vào cuộc sống; 50 câu hỏi làm trong 60 phút.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU |
Lưu ý khi ôn tập
Dành lời khuyên cho thí sinh trong quá trình ôn tập, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, các em học sinh hãy học tốt chương trình THPT, sách giáo khoa là tài liệu quan trọng nhất. Theo đó, ngữ cảnh sử dụng trong đề thi rộng, không chỉ có trong sách giáo khoa, không có giới hạn, nhưng học sinh học tốt kiến thức, kỹ năng, năng lực trong sách giáo khoa là có thể làm tốt bài thi.
Bên cạnh đó, hãy làm bài thi tham khảo, nếu chưa tốt phần nào thì ôn luyện để bổ khuyết phần đó thay vì đi ôn luyện tràn lan ở các trung tâm.
Lưu ý khi làm bài
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, đề thi có câu hỏi dễ khó, vận dụng thấp vận dụng cao, các câu hỏi trộn một cách ngẫu nhiên để đảm bảo đo được khả năng phản xạ và ứng xử của thí sinh trước từng vấn đề.
Vì vậy, nếu gặp câu hỏi khó, các em hãy bỏ qua và làm câu hỏi tiếp theo, còn đủ thời gian thì quay lại. Những câu hỏi dễ cố gắng tiết kiệm thời gian nhanh nhất, ngắn nhất để xử lý.
Thí sinh phải kiểm soát thời gian làm bài bằng cách phân phối thời gian đọc hiểu đầu bài, đọc hiểu hướng dẫn từng phần, từng câu hỏi trước khi quyết định lựa chọn đáp án.
Với mỗi phần, thí sinh nên tiết kiệm thời gian đọc hướng dẫn bằng cách làm bài thi tham khảo. Nếu có thể, hãy tiết kiệm thời gian của từng câu hỏi để kịp xem lại toàn bộ các câu hỏi trong một phần.
Một lưu ý quan trọng là điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Vì vậy, thí sinh hãy cố gắng trả lời đủ tất cả các câu hỏi trong khoảng thời gian cho phép của từng phần.
Nếu còn thời gian sau khi đã hoàn thành 1 phần, thí sinh đừng vội chuyển sang hợp phần tiếp theo mà hãy kiểm tra lại các câu trả lời chưa thật sự chắc chắn. Thí sinh sẽ không thể quay lại phần thi trước để sửa câu trả lời sau khi thời gian làm bài của phần thi đã hết.