Tổng Bí thư: Khẩn trương hoàn thiện chính sách phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng

0
0

 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Sáng 29/11, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc đồng bằng sông Hồng (đồng thời cũng là Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng, gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thuộc Vùng ĐBSH là một trong 3 vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước. Trong đó có Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ lớn nhất của cả nước.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, vùng ĐBSH vẫn còn một số mặt hạn chế. Đó là, kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vượt trội và vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng. Quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Một số loại thị trường hình thành chậm và chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa các tiểu vùng còn có sự chênh lệch đáng kể…

Để tạo được chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của Vùng và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX của Bộ Chính trị tiếp tục xác định: Vùng ĐBSH là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh, bền vững Vùng ĐBSH là trách nhiệm của các địa phương trong Vùng và toàn hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo

Về mục tiêu, có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới. Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững vùng, các tiểu vùng và các địa phương trong Vùng. Phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số;

Phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh...

Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong Vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của Vùng và các địa phương trong Vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong Vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển Vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN và Đông Bắc Á.

Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong Vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết vươn lên làm cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước giàu mạnh và tốt đẹp hơn, dẫn đầu cả nước.

 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng.

Theo đó, Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển Vùng;

Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành cho được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của Vùng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan toả, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển Vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo. Tiếp tục cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ những cán bộ mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

(VnMedia) - Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Triệt phá nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc chiếm đoạt tài khoản, dữ liệu người dùng

(VnMedia) - Các lực lượng phối hợp đã tổ chức đấu tranh chuyên án, triệt phá nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc chiếm đoạt tài khoản, dữ liệu người dùng trên mạng xã hội, bắt giữ 22 đối tượng, thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan...

Nắng nóng bao trùm khắp 3 miền

(VnMedia) - Ngày hôm nay (26/4), ở hầu hết các khu vực thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đều có nắng nóng. Tại Hà Nội, nhiệt độ cao nhất hôm nay có thể trên 36 độ C…

Giá vàng bật tăng cao sau 3 phiên giảm liên tiếp

(VnMedia) - Chốt phiên làm việc rạng sáng nay (26/4), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã bất ngờ đảo chiều đi lên sau 3 phiên giảm sâu trước đó. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn đang duy trì ở mức trên 75 triệu đồng/lượng khi khép lại phiên làm việc cuối ngày hôm qua (25/4).

Mượn danh quyên góp tiền từ thiện trên mạng xã hội để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

(VnMedia) - Đối tượng Lê Đình Hải lập hàng loạt tài khoản Facebook rồi mạo danh Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Tường Phúc (sinh sống tại Huế) và sử dụng hình ảnh của các nạn nhân điều trị ở các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kêu gọi quyên góp nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản...