- Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, truyền thông chính sách thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền, tuy nhiên, hiện việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến...
Chiều 24/11 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức-Hành động-Nguồn lực". Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ.
Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, theo kết quả khảo sát do Bộ TT&TT tiến hành tại 59 cơ quan là Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác truyền thông chính sách cho thấy, đại bộ phận các cơ quan Trung ương không nhất quán mô hình bộ phận chuyên trách về truyền thông.
Một số Bộ, ngành, địa phương lập bộ phận truyền thông chuyên trách là cấp Phòng thuộc Văn phòng Bộ như Bộ Tài chính, Bộ Công thương; một số cơ quan giao chức năng truyền thông cho đơn vị sự nghiệp như Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT; một số cơ quan khác không rõ đầu mối truyền thông thuộc đơn vị nào…
Cá biệt có một số Bộ, ngành đã từng có cơ quan chuyên trách về truyền thông gắn cùng chức năng thi đua khen thưởng, theo chủ trương sáp nhập mảng thi đua khen thưởng trên toàn quốc thì phải tổ chức lại đầu mối đơn vị cấp Vụ vốn có đang làm công tác truyền thông, đưa bộ phận truyền thông về Văn phòng Bộ.
40/59 cơ quan khảo sát chưa có đội ngũ truyền thông chuyên trách, chiếm tỷ lệ 68%. Kết quả khảo sát sơ bộ cũng cho thấy đại bộ phận nhân lực làm công tác truyền thông ở cơ quan nhà nước chưa được chuẩn hóa, từ khâu tuyển dụng không có vị trí việc làm được thiết kế cho công tác này, cho tới bố trí nhiệm vụ, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về truyền thông.
Các công chức, viên chức làm truyền thông thường là kiêm nhiệm các công việc khác, không có kiến thức chuyên ngành về quan hệ công chúng và xử lý khủng hoảng truyền thông hoặc là người "chưa đáp ứng chuyên môn" của các đơn vị khác mà được luân chuyển, bố trí.
Theo kết quả khảo sát của Bộ TT&TT, hiện chưa thể thống kê kinh phí dành cho truyền thông chính sách là bao nhiêu (vì chưa có danh mục các công việc, nhiệm vụ cụ thể được coi là thuộc nhiệm vụ truyền thông chính sách), nhưng nhìn chung các đơn vị chưa được cấp kinh phí để thực hiện truyền thông chính sách.
Các địa phương chủ yếu giao cho Văn phòng ủy ban hoặc Sở TT&TT, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy. Một số địa phương khác giao cho báo, đài PTTH thực hiện. Mô hình tổ chức tại địa phương giống như trung ương cũng không đồng nhất, không có đội ngũ chuyên trách, chuyên nghiệp dẫn đến công tác truyền thống đôi khi còn lúng túng, chủ yếu thực hiện cách truyền thông qua báo, đài, bản tin, tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích.
Thậm chí, có nhiều đơn vị không biết cách triển khai công tác truyền thông, chỉ ký hợp đồng hoặc quyết định giao cho cơ quan báo chí tự làm, trong khi đó các cơ quan báo chí chỉ là một trong những phương thức để truyền tải chính sách đến với người dân, doanh nghiệp.
Ở cấp xã, phường, lực lượng thông tin cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền đi hàng ngày các bản tin phát thanh tiếp cận nhất, với các nội dung "sát sườn" nhất với đời sống người dân. Cả nước hiện có 9.793 đài truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn, với 13.853 nhân sự, phát huy hiệu quả rất lớn trong công tác truyền thông chính sách, cảnh báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp (mưa bão, lũ lụt, cháy nổ, dịch bệnh...), hoặc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các sinh hoạt chính trị quan trọng (bầu cử, đại hội Đảng các cấp....).
Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nhìn chung còn nghèo nàn, hạn chế, chưa đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm |
Báo chí chính thống: Kênh hỗ trợ chủ lực đang gặp khó khăn
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn do nguồn thu quảng cáo, dịch vụ giảm mạnh (trong 3 năm gần đây còn do ảnh hưởng chung từ đại dịch COVID-19).
“Về thu hút quảng cáo, báo chí chính thống đang mất dần ưu thế so với các nền tảng mạng xã hội (toàn bộ hệ thống báo, đài và trang tin trong nước chỉ thu hút khoảng 40% tổng doanh thu quảng cáo trên toàn thị trường, còn lại 60% doanh thu thuộc về các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới) - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ.
Theo ông Lâm, với nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo giảm sút nêu trên, các cơ quan báo chí tự đảm bảo kinh phí hoạt động (chỉ có số tương đối về ngân sách đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước, của cơ quan chủ quản) đang gặp khó khăn cho việc đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách.
Cũng theo Thứ trưởng, báo chí truyền thống đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để sản xuất và đưa nội dung báo chí lên chiếm lĩnh, lan tỏa rộng trên không gian mạng. Trong khi đó, các mạng xã hội xuyên biên giới, với công nghệ hiện đại, tài chính dồi dào và lượng người dùng áp đảo đang chiếm ưu thế trong việc kiểm soát phân phối thông tin dựa trên phân tích dữ liệu người xem và các thuật toán để gợi ý nội dung phù hợp đến từng người sử dụng.
Đánh giá về nguyên nhân của những hạn chế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: Hiện vẫn còn có nhận thức chưa đúng, cho "truyền thông chính sách là việc của báo chí", trong khi trên thực tế, truyền thông chính sách thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền.
“Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh, là phương thức, là công cụ tuyên truyền cho chính sách mới, nhưng gốc vẫn là việc hoạch định chính sách. Việc hoạch định, ban hành và thực thi chính sách nhiều lúc, nhiều nơi thiếu hẳn khâu đánh giá tác động truyền thông, dẫn đến không được truyền thông đúng cách và đủ "liều lượng". Một số bộ, ngành và địa phương chưa ban hành kế hoạch tổng thể và cụ thể về truyền thông chính sách, để từ đó có lộ trình, bước đi, đội ngũ và nguồn lực triển khai công tác truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp” - Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng, kinh tế báo chí chưa được chú trọng đúng mức để cơ quan báo chí có thêm nguồn lực tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách hiệu quả. Công tác quản lý "báo, đài" chủ yếu được coi là việc của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, trong khi nhiều cơ quan chủ quản gần như buông lỏng, chưa giao nhiệm vụ tương xứng và chưa quan tâm đến việc phải đảm bảo đủ điều kiện, nguồn lực cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ và chủ động truyền thông chính sách từ cơ quan nhà nước.
“Việc báo chí thực hiện chức năng phản biện chính sách cũng rất quan trọng, vì nó góp phần hoàn thiện chính sách. Phải khẳng định rằng không phải sự cố "khủng hoảng truyền thông" nào cũng có nguyên nhân từ báo chí" - ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng chỉ rõ một nguyên nhân rất đáng chú ý, đó là năng lực giải thích, diễn giải cụ thể chính sách, quy định của một số cơ quan nhà nước để người dân hiểu và chủ động tuân thủ còn hạn chế. Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách.
Từ thực trạng và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Bộ TT&TT đề xuất một số giải pháp, kiến nghị: Cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách (từ khâu hoạch định, ban hành và thực thi chính sách) như là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan nhà nước.