- Sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương về 2 ca bệnh Whitmore, Sở Y tế Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh do vi khuẩn ăn thịt người này gây ra.
Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng chủ động phòng bệnh Whitmore. Biện pháp dự phòng cơ bản nhất là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh lao động. Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là nơi bị ô nhiễm nặng.
Sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động (giày, dép, găng tay...) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
Tổn thương do khuẩn gây bệnh Whitmore gây ra |
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm.
Nếu bắt buộc phải tiếp xúc nên sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh.
Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi có nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore để được điều trị kịp thời.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thường xuyên tập huấn cho nhân viên y tế tham gia khám phát hiện, điều trị người bệnh mắc Whitmore; cập nhật phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore theo hướng dẫn của Bộ Y tế...