- Các thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới – G20 đã kết thúc cuộc họp ngày hôm qua (16/11) bằng tuyên bố rằng hầu hết các nước thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và cảnh báo rằng cuộc xung đột đang làm trầm trọng thêm những điểm yếu trong nền kinh tế thế giới.
Tuyên bố bế mạc của Hội nghị thượng đỉnh G20 rất đáng chú ý khi nó cho thấy sự chia rẽ trong nhóm các nền kinh tế hàng đầu này – một nhóm không chỉ bao gồm chính Nga mà còn cả các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước có quan hệ thương mại quan trọng với Moscow. Kết quả của sự chia rẽ này là G20 đã không thể đưa ra được một tuyên bố lên án thẳng thừng Nga trong cuộc chiến đang diễn ra hiện nay ở Ukraine.
G20 thừa nhận rằng “có những quan điểm khác nhau và đánh giá khác nhau” đồng thời tuyên bố rằng G20 “không phải là diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh”.
Cuộc chiến ở Ukraine đã bao trùm hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày được tổ chức trên hòn đảo nhiệt đới Bali ở Indonesia. Tin tức vào đầu ngày hôm qua (16/11) về vụ nổ làm rung chuyển miền đông Ba Lan đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải gấp rút sắp xếp một cuộc họp khẩn cấp với các thành viên G7 và NATO đang có mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Ba Lan cho biết vụ nổ gần biên giới Ukraine là do một tên lửa do Nga sản xuất gây ra và họ đang điều tra những gì đã xảy ra. Quốc gia thành viên NATO này đã không đổ lỗi cho Nga về vụ nổ tên lửa khiến hai người thiệt mạng nói trên. Nga phủ nhận có liên quan. Tuy nhiên, một số báo chí phương Tây và giới chức phương Tây đã nhanh chóng đổ lỗi cho Nga.
Mặc dù vậy, Tổng thống Biden cho rằng "không có khả năng" tên lửa rơi trên lãnh thổ Ba Lan được bắn đi từ Nga và ông này cam kết sẽ hỗ trợ Ba Lan điều tra vụ việc.
“Có những thông tin sơ bộ phản bác điều đó,” ông Biden đã nói như vậy với các phóng viên khi được hỏi liệu tên lửa rơi trên lãnh thổ Ba Lan có phải được bắn đi từ Nga hay không. “Không chắc là nó được bắn từ Nga, nhưng chúng tôi sẽ tìm hiểu.”
Trong lúc này, hãng tin AP cho biết, tên lửa bắn trúng lãnh thổ Ba Lan là xuất phát từ lực lượng Ukraine.
Tham dự hội nghị G-20 lần này có các nhà lãnh đạo bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự.
Cách diễn đạt thận trọng trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G20 phản ánh những căng thẳng tại cuộc họp và cũng là thách thức đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây trong việc tìm cách cô lập chính phủ của Tổng thống Putin. Một số thành viên G-20, bao gồm cả nước chủ nhà Indonesia, cảnh giác với việc vướng vào các tranh chấp giữa các cường quốc lớn hơn.
Tuy nhiên, tuyên bố nói trên là một lời chỉ trích mạnh mẽ đối với cuộc chiến đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng, làm gia tăng căng thẳng an ninh toàn cầu và làm gián đoạn nền kinh tế thế giới.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, người dẫn đầu phái đoàn Nga đến Indonesia thay cho Tổng thống Putin, đã chỉ trích việc chính quyền Tổng thống Biden thúc đẩy việc lên án Moscow trong bài phát biểu hôm thứ Ba (15/11).
G-20 được thành lập vào năm 1999 ban đầu là một diễn đàn để giải quyết các thách thức kinh tế. Nó bao gồm Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.