- Ngày 22/11, Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả các nội dung do Bộ GDĐT chủ trì thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Vụ Giáo dục Dân tộc, Vụ Cơ sở vật chất, Văn phòng Bộ GDĐT; đại biểu 18 tỉnh/thành phố khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên có trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và đại biểu của Trường Đại học Tây Nguyên.
Hội thảo nhằm đánh giá tình hình, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Đồng thời tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương làm cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo hiệu quả các nội dung của Chương trình do Bộ GDĐT chủ trì.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ GDĐT được giao đầu mối triển khai 2 nhiệm vụ: Đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc và đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, các nội dung thuộc hai nhiệm vụ đang được Bộ GDĐT và ngành Giáo dục các địa phương triển khai theo đúng kế hoạch. Cụ thể như khẩn trương thực hiện các giải pháp để đầu tư hiệu quả cho Trường Đại học Tây Bắc và Đại học Tây Nguyên; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú.
Đối với nội dung nâng cao chất lượng dạy và học đối với trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, Bộ GDĐT đang tập trung xây dựng tài liệu, học liệu và cấp phát cho các nhà trường. Đồng thời, triển khai việc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú về các nội dung quản lý và giáo dục đặc thù.
Trao đổi tại Hội thảo, đại diện các địa phương đã cập nhật nhiều thông tin về tình hình triển khai các nhiệm vụ của Chương trình thực tế tại các địa phương. Theo đó, các địa phương đều đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn để thực hiện, xác định được những việc cần triển khai phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương. Đồng thời, tính toán nguồn lực phù hợp.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập cũng đã được đại diện đại phương chia sẻ. Trong khó, một số nội dung đầu tư chưa được thể hiện trong Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số quy định hiện hành chưa đầy đủ, không còn phù hợp thực tế… gây khó khăn cho địa phương trong thực hiện. Nguồn vốn, tiến độ giải ngân, xác định đối tượng, địa điểm đầu tư,... cũng là những vướng mắc hiện nay.
Từ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, đại diện các địa phương đề xuất, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số; tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước hằng năm theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.
Bộ GDĐT tăng cường công tác quản lý và điều hành, tiếp tục rà soát những khó khăn vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số tại các địa phương.
Ủy ban nhân dân các tỉnh cần khẩn trương hoàn thiện ban hành các quy định về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện tại địa phương; quản lý, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện giữa các dự án, tiểu dự án tại địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để phổ biến, vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia tích cực việc triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương.
P.V