- Nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 - Indonesia được cho là đang tìm cách ngăn cản việc để xảy ra sự kiện tụ họp các nhà lãnh đạo thế giới biến thành một “bữa tiệc” tấn công Nga. Indonesia kêu gọi các chính trị gia phương Tây kiềm chế trong việc chỉ trích Moscow để tất cả các thành viên tham dự hội nghị có thể cùng nhau đưa ra được một thông cáo vào cuối sự kiện.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và các quan chức khác trong chính phủ của ông đã yêu cầu các nhà lãnh đạo phương Tây có sự nhượng bộ về mức độ trong những phát biểu của họ nhằm vào Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, tờ Politico hôm qua (13/11) dẫn lời ba nhà ngoại giao giấu tên nắm rõ tình hình cho biết.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Mỹ Joe Biden |
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày sẽ bắt đầu vào ngay mai (15/11) tại Bali, và Tổng thống Widodo hy vọng sẽ tìm thấy những điểm chung để tất cả các thành viên G20, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, có thể đồng ý với một tuyên bố chung của nhóm nước này.
Ông Widodo cũng hướng tới mục đích ngăn chặn nhóm G20 đi theo bước chân của nhóm G8. Nhóm các nền kinh tế phát triển G8 đã loại Nga ra khỏi nhóm và trở thành G7 sau khi Moscow tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea vào nước này năm 2014. Một tuyên bố của G7 hồi đầu tháng 11 đã lên án Nga về “cuộc chiến tranh xâm lược” chống lại Ukraine và kêu gọi tất cả các lực lượng Nga rút khỏi nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Nhóm G7 cũng cáo buộc Nga về tội ác chiến tranh ở Ukraine và chỉ trích Điện Kremlin vì “những phát biểu vô trách nhiệm về hạt nhân”.
Một tuyên bố giống như tuyên bố của các nước G7 có thể sẽ không tìm được sự đồng thuận ở Bali, nơi Nga sẽ được đại diện bởi Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Một số các nước thành viên G20 khác, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Ả-rập Xê-út, có thể sẽ miễn cưỡng ký vào một thông cáo khiển trách Nga. Tờ Politico cho rằng, khả năng cao là sẽ có một tuyên bố chung chung được đưa ra, trong đó kêu gọi “tôn trọng luật pháp quốc tế”.
“Rõ ràng là chúng tôi không thể cứng rắn như chúng tôi đã làm ở G7 khi bạn cần người Nga, Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đồng ý”, một nhà ngoại giao phương Tây đã nói như vậy với các hãng truyền thông. "Câu hỏi là chúng ta cần xóa bao nhiêu." Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia và các nước lớn ở châu Âu nằm trong số các thành viên G20 mà các quan chức Indonesia đang nhắm đến với mong muốn những nước này sẽ đưa ra các phát biểu nhẹ nhàng hơn với Nga.
Tổng thống Widodo cũng hy vọng sẽ tránh gây tranh cãi về một bức ảnh nhóm, giống như những bức ảnh thường được chụp tại các cuộc họp G20 để thể hiện sự đoàn kết, vì một số thành viên có thể thận trọng không muốn xếp hàng trong cùng một bức ảnh với Ngoại trưởng Lavrov. Tháng trước, trước khi Moscow thông báo rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh, tờ Politico đã đưa tin rằng các quan chức Nhà Trắng đang thực hiện một loạt bước để đảm bảo rằng Tổng thống Biden sẽ không qua đường với Nhà lãnh đạo Nga.
Mới đây, Nga đã thông báo Tổng thống Putin không đến tham dự hội nghị G20. Thay vào đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov sẽ đến tham dự. Ông Lavrov đã đến Bali từ Campuchia vào ngày hôm qua (13/11).
Cuộc chiến ở Ukraine và các ảnh hưởng kinh tế gây ra từ cuộc chiến này dự kiến sẽ là những chủ đề chính tại các cuộc thảo luận sắp tới ở Bali cũng như tại hội nghị APEC diễn ra vào cuối tuần này, bên cạnh các chủ đề về các cam kết khí hậu, sự mất an ninh về lương thực và căng thẳng ở Eo biển Đài Loan, Biển Đông và Triều Tiên.
Ông Lavrov được cho là sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ phương Tây trong hội nghị G20 liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Ukraine không phải là thành viên G20 nhưng đã được nước chủ nhà Indonesia mời làm quan sát viên. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sẽ có bài phát biểu trực tuyến trước cuộc họp.
Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cho rằng, G20 không phải là diễn đàn để xử lý các vấn đề an ninh và thay vào đó nên tập trung vào các thách thức kinh tế toàn cầu cấp bách.