- Trước thực trạng các bác sĩ nước ngoài tại nhiều phòng khám tư nhân có hành vi "vẽ bệnh moi tiền" thời gian sau dịch COVID-19, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa có kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau một thời gian tạm lắng xuống do dịch bệnh COVID-19, gần đây một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài lại tái xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh.
Điều đáng xem xét đó là các phòng khám này từng vi phạm trước đây và từng bị xử phạt ở khung cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành. Các hành vi vẽ bệnh để moi tiền người bệnh được báo chí phản ánh khiến người dân TP.HCM, nhân viên y tế phẫn nộ và đều mong cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp mạnh đủ sức răn đe.
Vì vậy, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng kêu gọi người dân và nhân viên y tế cùng hỗ trợ ngành y tế phát hiện và kịp thời thông báo về Thanh tra Sở Y tế bằng cách gọi đường dây nóng, hoặc thông báo qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" hoặc bất cứ hình thức nào có thể để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng thời, người đứng đầu ngành y tế TP.HCM cũng cho biết, Sở đã có kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh và các quy định này sớm có hiệu lực khi được ban hành.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám, chữa bệnh.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng duy trì thường xuyên (không chỉ chiến dịch) công tác thanh, kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài, từng vi phạm pháp luật, tiếp tục xử lý nghiêm với mức hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường phối hợp trong quản lý hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn. Cụ thể là chỉ đạo phòng y tế phối hợp với các bộ phận chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các địa chỉ phòng khám từng vi phạm, đang vi phạm và bị tạm đình chỉ ngưng hoạt động, buộc các cơ sở vi phạm ngưng quảng cáo, che hoặc gỡ biển hiệu trong thời gian bị tạm ngưng hoạt động.
(Tổng hợp)