- Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022, các Tòa án đã giải quyết được 91.312 vụ án hình sự với 171.924 bị cáo…
Sáng nay 8/11, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo Quốc hội về công tác các Tòa án năm 2022.
Theo Báo cáo, năm 2022, các Tòa án thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh, khó khăn do dịch bệnh phức tạp, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, công tác xét xử đạt kết quả cao, vượt một số chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Theo đó, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022, các Tòa án đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
Trong đó, các vụ án hình sự, các Tòa án đã giải quyết là 91.312 vụ với 171.924 bị cáo; đạt tỷ lệ 97,71% về số vụ và 96,14% về số bị cáo, vượt 9,71% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình |
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định: Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; các vụ án dư luận xã hội quan tâm, TANDTC đã tập trung chỉ đạo các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.
Bên cạnh công tác chuyên môn, hoạt động khác của Tòa án được thực hiện với kết quả khả quan. Chánh án TANDTC nhấn mạnh đến một số nội dung khác mà Tòa án thực hiện trong năm qua.
Cụ thể: Thực hiện quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật này. Đến nay, đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên. Các Tòa án đã hòa giải, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 72.955 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,11%.
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt và vượt yêu cầu Nghị quyết Quốc hội. Theo đó, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và các TAND cấp cao phải giải quyết là 13.463 đơn/vụ; đã giải quyết được 8.403 đơn/vụ; đạt tỷ lệ 62,4%, vượt 2,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Đến nay, các Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến 3.614 vụ án. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian, nhất là trong thời gian dịch bệnh.
Tại Báo cáo, Chánh án TANDTC cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao; vẫn còn một số ít vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan; một số cán bộ không chịu rèn luyện đã vi phạm pháp luật và kỷ luật công tác.
Nguyên nhân là do số lượng các loại vụ việc và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhanh và ngày càng phức tạp, trong khi đó số lượng Thẩm phán, công chức chưa đủ nên áp lực công việc rất lớn. Một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án, chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định…
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, TANDTC;
Cùng với đó sẽ tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và vận hành hiệu quả Tòa án điện tử; phần mềm Trợ lý ảo; hệ thống giám sát điều hành. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch hoạt động của Tòa án.