- Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2021-2022, theo đó, Sở này đã ban hành 10 Quyết định xử phạt 127,5 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân tự ý thành lập cơ sở giáo dục khi chưa được cấp phép.
Theo đó, trong năm học 2021-2022, Thanh tra Sở đã tổ chức 25 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 140 đơn vị. Trong đó, thanh tra hành chính 1 cuộc với 4 đơn vị và thanh tra chuyên ngành 13 cuộc với 29 đơn vị; kiểm tra chuyên ngành 11 cuộc với 107 đơn vị.
Việc thanh tra tập trung vào các nội dung như việc thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí và các nguồn lực tài chính khác; việc thực hiện quản lý nhà nước và pháp luật về giáo dục đào tạo; việc thực hiện Quy chế dân chủ, công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và phòng, chống tham nhũng; việc chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; công tác quản lý tài chính, tài sản; Công tác phòng chống bạo lực học đường và an toàn trường học...
Theo báo cáo, trong năm qua, Thanh tra Sở đã thực hiện 3 cuộc thanh tra đột xuất (chuyên ngành) đối với 3 đơn vị. Thanh tra Sở đã ban hành 10 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tự ý thành lập cơ sở giáo dục khi chưa được cấp phép với tổng số tiền là 127,5 triệu đồng. Trong đó 9 tổ chức/cá nhân đã thực hiện Quyết định xử phạt đúng quy định, 1 đơn vị không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Trường THCS và THPT Châu Á Thái Bình Dương).
Trong năm học 2021-2022, Thanh tra Sở đã tiếp nhận 227 đơn (bao gồm: 34 đơn khiếu nại, 54 đơn tố cáo, 111 đơn phản ánh, kiến nghị, 28 đơn có nhiều nội dung khác nhau). Thanh tra sở đã xử lý 227 đơn, trong đó chuyển 44 đơn, hướng dẫn và trả lại 27 đơn, thụ lý 2 đơn và lưu đơn (do đơn trùng lắp, đơn không rõ địa chỉ, không có tên và chữ ký, đơn mạo danh, không danh).
Báo cáo đã chỉ ra công tác thanh tra trong năm qua còn một số hạn chế như tình trạng đơn thư vượt cấp ở các đơn vị thuộc phòng GD&ĐT gửi đến Thanh tra Sở rất nhiều. Các trường học còn chủ quan, thiếu nghiên cứu các văn bản để làm căn cứ pháp lý, tổ chức, triển khai các hoạt động của nhà trường đúng quy định pháp luật, quy định của ngành và của địa phương. Lãnh đạo nhà trường chưa kịp thời quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và kiến nghị, phản ánh nên còn nhiều trường hợp gửi đơn khiếu nại vượt cấp, gửi đơn tố cáo không đúng thẩm quyền giải quyết.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT lý giải nguyên nhân của tình trạng trên là việc triển khai các hoạt động giáo dục của một số cơ sở giáo dục có nhiều thông tin chưa rõ ràng nên gây hoang mang, tạo dư luận bức xúc cho cha mẹ học sinh. Nhiều cha mẹ học sinh vẫn còn e ngại trong việc tiếp xúc với nhà trường để được giải đáp những phản ánh kiến nghị của mình do sợ ảnh hưởng đến con đang học tại trường.
Trước những hạn chế trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP đề nghị phòng GD&ĐT quận/huyện xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thủ trưởng các đơn vị cần quan tâm đến công tác này. Đặc biệt trong quá trình triển khai các hoạt động giáo dục cần cẩn thận, kỹ lưỡng, tổ chức tốt nền nếp và công khai rõ ràng sẽ đem lại sự an tâm, tin tưởng, tạo được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, học sinh và đội ngũ của nhà trường về các chủ trương chung của ngành. Điều này góp phần ngăn ngừa các phát sinh khiếu nại, tố cáo.