- Thời gian qua, xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo, ảnh hưởng nặng nề...
Ảnh minh họa |
Vào tháng 7 vừa qua, tin đồn trên mạng xã hội về Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh đã khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cổ phiếu họ Vingroup lập tức giảm sàn ngay từ phiên giao dịch buổi sáng 11/7.
Cụ thể, phiên này, VN-Index dừng chân ở mốc 1.155,29 điểm giảm hơn 16 điểm. “Rổ” VN30 đóng cửa chỉ số giảm gần 23 điểm. Trong đó, TCB là mã giảm sâu nhất khi kết phiên mất 5,2% thị giá, kế đó là TPB (-4,1%), VPB (-3,8%), POW (-3,8%), VRE (-3,7%),... Riêng bộ đôi trực tiếp liên quan đến những đồn đoán là VIC và VHM dù nỗ lực hồi phục khi cơ quan chức năng phát ra thông tin bác bỏ tin đồn thì vẫn giảm ở mức tương đối.
Dữ liệu của Forbes cho thấy, tính đến 3h chiều 11/7 (giờ Việt Nam), giá trị khối tài sản ròng của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã giảm khoảng 283 triệu USD so với trước đó. Nguyên nhân dẫn tới việc khối tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng giảm mạnh có thể đến từ việc trong phiên giao dịch sáng 11/7, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM và VRE đồng loạt giảm mạnh. Kết phiên giao dịch ngày 11/7, giá đóng cửa bộ ba cổ phiếu họ Vingroup lần lượt là VIC (70.000 đồng/cổ phiếu), VHM (60.500 đồng/cổ phiếu) và VRE (26.000 đồng/cổ phiếu).
Trong ngày 11/7, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp với Cục An ninh mạng và PCTP Công nghệ cao - Bộ Công an xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tô Vĩ Hoàn do đã có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, nhằm bôi nhọ hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn Vingroup. Ngoài ra, Bộ Công an đang xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật đối với 9 cá nhân tại 7 tỉnh, TP khác đưa thông tin thất thiệt về ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup.
Đây không phải là lần đầu tiên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư và doanh nghiệp lao đao vì tin đồn. Trước đó, vào đầu tháng 4, thị trường chứng khoán cũng trải qua một phen chao đảo bởi danh sách khoảng 8 doanh nghiệp bị thanh tra phát hành trái phiếu và tin đồn bắt bớ sau khi ông Trịnh Văn Quyết của FLC bị khởi tố.
Các mã cổ phiếu bị “dính” tin đồn như: Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Tập đoàn Gelex (GEX)… giảm sàn la liệt. Đặc biệt, khi Tổng giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn dính tin đồn bị khởi tố khiến giá cổ phiếu GEX rớt thảm hại.
Theo đó, vào thời điểm này, một số cá nhân đã lợi dụng sự việc một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị bắt để đăng tải những thông tin thất thiệt, chưa kiểm chứng cho rằng cơ quan chức năng sẽ khởi tố và xử lý những cá nhân, doanh nghiệp khác (chủ yếu trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản). Từ đó, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp trong đó có cổ phiếu GEX của GELEX cũng bị ảnh hưởng, rơi khoảng hơn 30%, từ mức khoảng 40.000 đồng cổ phiếu.
Mặc dù GELEX đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư và khẳng định hoạt động của công ty vẫn diễn ra như thường lệ, công ty kịch liệt phản đối những hành vi đưa tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng gây mất an ninh, an toàn thị trường, nhưng trước áp lực từ diễn biến của thị trường chứng khoán, cổ phiếu GEX vẫn liên tục giảm mạnh.
Vào hồi tháng 1 năm nay, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cũng phải lên tiếng phủ nhận tin đồn ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HOSE đã bị cơ quan công an bắt. Tin đồn xuất phát từ tài khoản tên Mèo Lười loan trong nhóm chat chứng khoán với nội dung: "Tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà đã bị bắt 6h tối nay. Dự là mai toang đấy các bác ạ. Chồng em ở bên VPS vừa bảo vậy".
Theo HOSE, thông tin trên đã gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý công chúng đầu tư và ảnh hưởng đến uy tín của HOSE. HOSE đề nghị các thành viên thị trường phối hợp, hỗ trợ khuyến cáo các nhà đầu tư bình tĩnh, sàng lọc thông tin trước khi tiếp nhận và phát tán trên các trang mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng được nhiều người chia sẻ, tác động xấu tới dư luận xã hội, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam, gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trước thực trạng này, ngày 11/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, đối với thị trường cổ phiếu, Nghị quyết do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành yêu cầu, các cơ quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường cổ phiếu để lành mạnh hóa thị trường. Tăng cường các biện pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường.
Đặc biệt xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững. Bảo đảm hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt; đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi nhằm thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Nghị quyết 86/NQ-CP ra đời rất kịp thời và cần thiết nhằm quản lý chặt chẽ hơn với thị trường vốn nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
P.Mai