- Khó khăn lớn đối với ngành Y tế TP.HCM hiện nay là thiếu nhân lực điều dưỡng. Mặc dù các bệnh viện liên tục tuyển điều dưỡng nhưng rất ít người ứng tuyển và vào làm chỉ được ít ngày là xin nghỉ.
TS. BS Phạm Quốc Dũng - Giám đốc Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM) cho biết, hiện tại nhân sự điều dưỡng của bệnh viện là 208 người, trong đó số lượng điều dưỡng làm việc tại các khoa lâm sàng là 182 người, bác sĩ là 143 người. Tỷ lệ là 1,27 điều dưỡng/bác sĩ.
Từ ngày 01/01/2022 đến nay, bệnh viện có 26 điều dưỡng làm việc tại các khoa lâm sàng đã nghỉ việc. Cụ thể là 17 điều dưỡng nữ và 9 điều dưỡng nam, độ tuổi từ 21-39 tuổi.
Chia sẻ về lý do nghỉ việc của điều dưỡng, TS. BS Phạm Quốc Dũng cho hay, trong hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng người bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện Quận 11 sụt giảm rất nhiều nên nguồn thu của bệnh viện cũng bị giảm đi, dẫn tới thu nhập nhân viên y tế giảm, chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống.
Từ cuối tháng 7/2022, số lượt bệnh nhân đến khám tại bệnh viện mới phục hồi lại so với trước khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại TP.HCM vào cuối tháng 4/2021.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế còn thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị không cao, dẫn tới việc nhân viên y tế xin nghỉ việc, hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.
"Ngoài ra, các điều dưỡng xin nghỉ việc vì lý do gia đình, do công tác xa nhà. Bên cạnh đó, đa số điều dưỡng là nữ, khi có con nhỏ mà thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, họ chọn con đường nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác mà không phải trực để cân bằng giữa việc nhà và công việc" - Giám đốc Bệnh viện Quận 11 chia sẻ.
Theo bà Trần Thị Thu Nga - Phó Trưởng Phòng điều dưỡng Bệnh viện Quận 11, điều dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động khám chữa bệnh. Điều dưỡng là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân khi làm thủ tục nhập viện, chăm sóc bệnh nhân trong quá trình điều trị và cũng là người theo bệnh nhân đến khi làm thủ tục xuất viện. Ngoài chăm sóc, vệ sinh, tiêm thuốc, truyền dịch, thay băng, theo dõi sinh hiệu cho bệnh nhân, điều dưỡng còn trò chuyện, động viên tinh thần giúp bệnh nhân mau vượt qua bệnh tật.
Điều dưỡng tập vật lý trị liệu hô hấp cho bệnh nhân tại giường. |
Khó tuyển dụng vì áp lực cao, lương thấp
Trước tình hình thiếu nhân lực điều dưỡng do nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, Bệnh viện Quận 11 có kế hoạch tuyển dụng nhân lực điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, y sĩ để bù đắp vào số nhân lực thiếu hụt. Thế nhưng, mặc dù bệnh viện thực hiện đăng tuyển điều dưỡng liên tục nhưng rất ít người dự tuyển.
"Khi nhận được hồ sơ nào là bệnh viện sẽ xét luôn, thậm chí ai đủ điều kiện trúng tuyển điều dưỡng là nhận và giao việc ngay. Vậy nhưng có người vào bệnh viện làm được vài ngày thì xin nghỉ vì công việc nhiều, thu nhập không cao, đặc biệt điều dưỡng có tay nghề lại càng khó tuyển", TS. BS Phạm Quốc Dũng chia sẻ thật lòng.
Thực trạng thiếu điều dưỡng trên không phải chỉ diễn ra ở riêng Bệnh viện Quận 11 mà nó cũng là tình trạng chung của các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Tương tự, BS. Nguyễn Thiên Trung - Khoa Cấp cứu Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM) cho hay, hiện tại khoa Cấp cứu của bệnh viện có 30 người, trong đó có 11 bác sĩ, 18 điều dưỡng, 1 hộ lý. Số giường tại khoa cấp cứu là 20, trong mỗi kíp trực có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng. Có nghĩa là mỗi điều dưỡng phải chăm lo cho 5 bệnh nhân, song thực tế có thời điểm số lượng bệnh nhân cấp cứu nhiều hơn khiến áp lực dồn lên vai họ là rất lớn.
Trước thực trạng thiếu hụt nhân lực điều dưỡng trên, Bệnh viện Quận 11 đã thực hiện điều phối nhân sự từ các khoa, phòng qua các khoa lâm sàng đang thiếu điều dưỡng, tăng số lượng trực đêm để bù vào những vị trí đang còn thiếu. Bệnh viện cũng thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng, động viên tinh thần, chủ động giải pháp ổn định tâm trạng, những băn khoăn, lo lắng và hỗ trợ nhân viên y tế. Đồng thời, kiến nghị Sở Y tế đề xuất Bộ Y tế sớm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để động viên, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho nhân viên.
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội hồi cuối tháng 8 vừa qua, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, hiện ngành y tế TP.HCM gặp khó khăn do biến động về nhân lực, tập trung ở các bệnh viện công lập. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có trên 2.000 người nghỉ việc, chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng. Đặc biệt, khó khăn nhất là nhân lực điều dưỡng, bệnh viện nào cũng than thiếu điều dưỡng, chưa bao giờ các bệnh viện khó tuyển dụng như bây giờ. Cụ thể, theo yêu cầu, một bác sĩ phải có 3 điều dưỡng, thế nhưng tỉ lệ hiện nay chỉ từ 1,5 đến 2 điều dưỡng/1 bác sĩ.
"Lực lượng điều dưỡng là lực lượng đáng quan tâm bởi vì thu nhập chính của họ là đồng lương. Dù sao bác sĩ cũng có thể làm thêm ngoài giờ, ở phòng khám bên ngoài để kiếm thêm thu nhập, còn thu nhập chính của điều dưỡng vẫn chỉ là đồng lương. Rất mong Quốc hội sắp tới có chính sách để giữ chân lực lượng lao động lớn nhất của ngành y tế là điều dưỡng. Tỉ lệ điều dưỡng giảm đi thì chất lượng chăm sóc bệnh nhân chắc chắn sẽ bị giảm đi. Chúng tôi rất lo" - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Điều dưỡng là người dành thời gian nhiều nhất cho bệnh nhân, là người nhận biết và phản ánh cho bác sĩ biết các dấu hiệu bất thường đầu tiên, đảm nhận công việc như một người mẹ quần quật chăm con cả ngày. Thế nhưng, điều dưỡng cũng là người đầu tiên bị phản ánh, là người đầu tiên bị hành hung y tế về lời nói và cả vũ lực, là người không được trọng vọng như bác sĩ.
"Các con của điều dưỡng cũng phải trưởng thành sớm. Có bé còn rất nhỏ đã phải tự nấu ăn, ngủ ở nhà một mình khi mẹ trực đêm. Lưng, vai, các khớp của điều dưỡng đều đau sau vài năm tuổi nghề và sức khỏe xuống rất nhanh sau những ngày vất vả. Đó là một trong các góc khuất của ngành Y không phải ai cũng thấy", bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ - nguyên Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trung bình của Việt Nam hiện là 11,4/10.000 dân, tức chưa bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 50.000 điều dưỡng để đảm bảo đáp ứng tốt cho nhu cầu chăm sóc y tế của người dân.