- Thủ tướng nêu rõ 12 kết quả nổi bật trong 8 tháng vừa qua, đồng thời nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành bao gồm: 4 “ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 “kiên quyết không”…
Ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Trong buổi sáng, Chính phủ đã tập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022, tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ 12 kết quả nổi bật trong 8 tháng vừa qua, đồng thời nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành đã được phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 xác định, gồm:
"4 ổn định" (ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội);
3 "tăng cường" (tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước);
"2 đẩy mạnh" (đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch);
"1 tiết giảm" là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết;
và "1 kiên quyết không" là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.
Thủ tướng đánh giá cao việc chuẩn bị các tài liệu, báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan và ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm, sát thực tế - Ảnh: VGP |
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Xây dựng các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn.
Đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cương quyết cắt giảm các thủ tục rườm rà, các dự án dàn trải, điều chuyển vốn từ những dự án chậm, kém hiệu quả sang các dự án bảo đảm tiến độ. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát lại, Thanh tra Chính phủ vào cuộc ngay để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan tới việc bảo đảm nguyên vật liệu cho các dự án hạ tầng chiến lược theo các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương 6, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, trong đó có đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2023; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. Về nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
"Dầu, khí, than đều phải đi mua và giá càng cao, như than khai thác càng sâu thì càng đắt, trong khi Việt Nam nhiều nắng và gió, không phải mua, nhập, cũng không ai lấy đi được, công nghệ năng lượng gió và mặt trời càng ngày càng phát triển với giá rẻ hơn. Việt Nam có điều kiện để chuyển đổi năng lượng phù hợp xu thế toàn cầu, phát triển ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng, sản xuất các trang thiết bị năng lượng tái tạo", Thủ tướng phân tích và yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân; đối thoại thẳng thắn và tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh.
Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam; đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô...