- Ngày 31/8, TAND TP Hà Nội đã tuyên án với 10 bị cáo trong vụ án mở phòng “bay lắc” trong Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Theo đó, 2 trong số các bị cáo nhận bản án cao nhất là tử hình...
Các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: VNN |
Cụ thể: HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, ở Thanh Trì): 4 năm tù vì tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý, tử hình vì tội Mua bán trái phép chất ma tuý và 10 năm tù vì tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Tổng hợp hình phạt mà Quý phải thi hành là án tử hình.
HĐXX cũng tuyên phạt Nguyễn Văn Ngọc (SN 1974, ở Đống Đa): 8 năm tù vì tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, tử hình vì tội Mua bán trái phép chất ma tuý.
Các bị cáo khác nhận án từ 7 năm 6 tháng tù đến 27 năm tù vì tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý và Mua bán trái phép chất ma tuý và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Lưu (Trưởng khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền) 3 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nguyễn Minh Huệ và Bùi Thị Hạt (điều dưỡng viên và hộ lý Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền) 5 năm tù vì tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Nguyễn Anh Vũ (kỹ thuật viên Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền) 7 năm tù về tội Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý.
Riêng bị cáo Huệ bị cấm đảm nhận chức vụ 5 năm kể từ khi mãn hạn tù, phạt 20 triệu đồng.
Tại Tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Quý cho biết "nộp phế" cho bị cáo Lưu từ 6 đến 10 triệu đồng một tháng để vị nguyên Trưởng khoa này lờ đi, tạo điều kiện cho Quý và đàn em "bay lắc" trong phòng bệnh.
Bị cáo Lưu khai, có biết về việc Quý cải tạo phòng bệnh, nhưng không biết Quý và đàn em tổ chức sử dụng ma túy trong đó. Bị cáo đã nhắc Quý tháo dỡ nhưng đối tượng này không thực hiện. Do Quý là bệnh nhân tâm thần, hay chửi bới bác sĩ nên bị cáo Lưu nhắc một lần và không báo cáo lãnh đạo.
Về việc nhận tiền của Quý, bị cáo Lưu khai rằng, không có chuyện này. "Bị cáo chưa bao giờ nhận tiền hay quà gì của Quý. Chỉ có 4 lần Quý tặng quà chung cho Khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền nhân Ngày Thầy thuốc, ngày Tết, hoặc ngày Khoa chuyển địa điểm mới... Bị cáo làm việc với bệnh nhân không bao giờ nói đến chuyện tiền nong", Đỗ Thị Lưu khai.
Trong khi đó, đàn em của Nguyễn Xuân Quý là Nguyễn Văn Ngọc khai đã quen biết bị cáo Quý từ trước qua các mối quan hệ xã hội. Khi Quý rủ Ngọc vào bệnh viện tâm thần thì Ngọc tự đi vào, đến phòng Quý có người mở cửa cho vào mà không cần xin phép.
Ngoài ra, HĐXX kiến nghị Công an Hà Nội tiếp tục làm rõ sai phạm của tập thể Ban giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để tránh bỏ lọt tội phạm.
Trước đó, sau khi xảy ra sự việc, ông Vương Văn Tịnh (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) bị kỷ luật cách chức vì đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội trong phạm vi bệnh viện, hậu quả rất nghiêm trọng.
Ba phó giám đốc gồm ông Nguyễn Tuấn Đại, Lê Ngọc Tú, Nguyễn Mạnh Phát đều bị khiển trách và phê bình, do chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội quy, quy chế chuyên môn của bệnh viện.
P.Mai