- Tại Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo 10 nội dung.
Thứ nhất, về phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia tại các công điện và thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia. Chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 tại địa phương; bảo đảm hoàn thành việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng chỉ định và mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 và xây dựng kế hoạch cho các giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, về nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế. Đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở (như sinh viên ngành Sư phạm).
Đề nghị công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc COVID-19 trong khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.
Đề nghị Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh do thời gian học tập và thực hành kéo dài hơn so các ngành nghề khác.
Thứ ba, về hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế. Đề nghị cho phép Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện đánh giá, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội một số nội dung của luật đang bất cập, vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết để sớm khắc phục như: (1) Xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược với hình thức theo trình tự rút gọn; (2) Kéo dài hiệu lực quy định tại khoản 3.8 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH ngày 30/12/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội có hiệu lực đến khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược có hiệu lực để giúp khắc phục thiếu thuốc và các quy định đồng bộ.
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 75/NĐCP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế để Bộ sớm triển khai tổ chức sắp xếp, kiện toàn tổ chức. Đề nghị Chính phủ xem xét phê duyệt Bộ Y tế trình ban hành Nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thứ tư, về đầu tư, tài chính y tế và giải ngân vốn đầu tư công. Đề nghị cho phép Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện đánh giá, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội về đầu tư cho lĩnh vực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần... theo tinh thần tại Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội.
Đề nghị chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan bố trí nguồn lực, kinh phí đảm bảo việc triển khai các nhiệm vụ, dự án về y tế thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các đề án, chương trình đã được phê duyệt.
Cho phép Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để rà soát, đánh giá, xây dựng, đề xuất phương án cụ thể của lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng bảo hiểm y tế và khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.
Đề nghị xem xét đề xuất của Bộ Tài chính và Bộ Y tế về việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công thuộc lĩnh vực y tế chưa được cơ quan có thẩm quyền giao tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP tiếp tục được thực hiện phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt đến khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tự chủ theo quy định mới.
Đề nghị chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2022 của Bộ Y tế đối với các dự án không có khả năng giải ngân; báo cáo Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế (đợt 3) cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, để sớm triển khai các dự án khởi công mới cấp thiết của Bộ Y tế.
Đề nghị chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 277/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm; có ý kiến đối với một số đề xuất, kiến nghị của Bộ Y tế liên quan đến sử dụng nguồn lực tiếp nhận hỗ trợ của tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có theo dõi, hạch toán nguồn lực hỗ trợ và việc cấp kinh phí để mua trang thiết bị và vật tư hỗ trợ các nước.
Đề nghị Bộ Tài chính tiếp chủ trì xây dựng quy định cho phép sử dụng NSNN để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa tài sản cố định đối với các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; có hướng dẫn về giải quyết vướng mắc mua sắm hàng hóa là tài sản đã qua sử dụng trong nước do nhiều trang thiết bị y tế khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết nhưng vẫn còn sử dụng được, có nhu cầu nhượng, bán lại cho đơn vị công. Đề nghị chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới khẩn trương phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vướng mắc, khó khăn và tồn đọng trong thanh, quyết toán, giải quyết các khoản nợ liên quan chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đề nghị chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để xử lý, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.
Thứ năm, về truyền thông và thi đua, khen thưởng, đề nghị chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phù hợp, nhất là thông tin, phim, ảnh về những hy sinh, cống hiến của lực lượng y tế và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; không suy diễn gây ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, nhân viên y tế và thái độ, cách nhìn nhận của người dân đối với ngành Y tế. Hiện nay, những cái xấu có thời lượng nhiều hơn nên rất áp lực với ngành y tế
Đề nghị chỉ đạo Bộ Nội vụ quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời hoạt động khen thưởng, công nhận danh hiệu thi đua đối với các tập thể, cá nhân có thành tích, đặc biệt là thành tích trong phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường công tác khen thưởng đột xuất theo quy định.
Thứ sáu, về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ y tế - Đề nghị chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính hướng dẫn Bộ Y tế trong việc chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học cho các doanh nghiệp để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Hiện nay, cơ chế này chưa rõ ràng.
Đề nghị xem xét cho phép nghiên cứu y, dược được áp dụng cơ chế đặc biệt; đầu tư xây dựng Trung tâm An toàn sinh học cấp 4 tiên tiến, hiện đại. Hiện chúng ta mới có Trung tâm An toàn sinh học cấp 3.
Thứ bảy, về bảo đảm an toàn thực phẩm, đề nghị chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường các biện pháp quản lý quảng cáo thực phẩm trên không gian mạng, xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, chưa có kiểm duyệt nội dung của cơ quan y tế.
Đề nghị chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sau khi được cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp như chuyển địa điểm hoạt động mà không thông báo cho cơ quan quản lý để thuận tiện cho việc phục vụ công tác hậu kiểm.
Thứ tám, về vận động, huy động nguồn lực: Chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục huy động các nguồn lực viện trợ (bao gồm hỗ trợ về kinh phí, hàng viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật) cho ngành Y tế.
Thứ chín, về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin y tế: Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế trong việc quản lý dữ liệu sức khỏe điện tử, làm sạch dữ liệu tiêm chủng; có phương án hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Thứ mười, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế; rà soát, củng cố lực lượng nhân lực ngành y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo đủ thuốc,vật tư, trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Chú trọng công tác động viên, khích lệ, hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng, nâng cao môi trường, điều kiện làm việc. Có biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp bạo hành nhân viên y tế để cán bộ y tế yên tâm công tác.
Hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ để bố trí đất, triển khai công tác giải phóng mặt bằng xây dựng một số cơ sở y tế mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Bố trí đủ dự toán và bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi của Chương trình mục tiêu Y tế dân số khi chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngành y tế trong 2023 theo nguyên tắc không thấp hơn năm 2020 (ít nhất là đến hết năm 2025) để bảo đảm tối thiểu các nhiệm vụ chi mua thuốc, vaccine, sinh phẩm và các nhiệm vụ thường xuyên khác để duy trì tính bền vững, kết quả đạt được của chương trình trong hàng chục năm vừa qua.