- Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Đổi mới công tác truyền thông trong phòng, chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em” với sự tham dự của đại diện các sở ngành, đơn vị, đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, chi hội luật sư thành phố Hồ Chí Minh.
Đổi mới hoạt động tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng xâm hại trẻ em |
Theo báo cáo của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 86 vụ/146 đối tượng xâm hại trẻ em với 88 em.
Trong số trẻ em bị xâm hại, có 6 em bị xâm hại có độ tuổi dưới 6 tuổi, 28 em trong độ tuổi từ 6 -13 tuổi, 54 em trong độ tuổi từ 13-16 tuổi. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, có tới 17 vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn. Điều này cho thấy công tác truyền thông phòng chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, mặt trái của mạng xã hội, sự xao nhãng của gia đình đối với trẻ em sống trong các gia đình, sự thiếu kiến thức pháp luật cơ bản về quyền bảo vệ trẻ em... đang là yếu tố nguy cơ đối với an toàn của trẻ em.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi giải pháp tăng cường lồng ghép công tác truyền thông bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em trong các chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị, địa phương. Đặc biệt, công tác truyền thông cần tiếp tục tập trung nhằm nâng cao nhận thức để người dân hiểu thế nào là hành vi xâm hại trẻ em; dạy trẻ nhận diện tội phạm, tự bảo vệ mình khi gặp phải tình huống nguy hiểm, đề cao cảnh giác cả với những người thân thiết có biểu hiện nghi ngờ không an toàn.
Bên cạnh đó, các đơn vị thông tin truyền thông tăng cường tin bài có nội dung phản ánh, lên án về hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt bạo lực gia đình. Tích cực đề cao vai trò của gia đình trong việc phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em, nêu gương những gia đình văn hoá - nơi trẻ em được yêu thương và chăm sóc toàn diện.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, đại diện Chi hội Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, truyền thông bảo vệ trẻ em dưới hình thức các phiên toà giả định cũng là hoạt động để bảo vệ trẻ em ở cấp độ phòng ngừa. Mục đích của hoạt động này là để cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho chính trẻ em, phụ huynh, cộng đồng dân cư biết về trách nhiệm, các biện pháp bảo vệ trẻ em, biết các kỹ năng phòng ngừa và phát hiện những hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em.
P.V