- Trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19, thông tin liên quan đến vắc xin cho người khuyết tật (NKT) phải dễ tiếp cận và được truyền đạt theo cách dễ hiểu.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, NKT được phân loại là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19. Nên việc đảm bảo một chương trình tiêm chủng dễ tiếp cận cho NKT là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với chính phủ.
Bản thông tin khuyến nghị chính sách “Tiếp cận thông tin vắc xin COVID-19 công bằng cho người khuyết tật” do nhóm các nghiên cứu viên Đại học RMIT thực hiện đã xác định những rào cản NKT phải đối mặt khi tìm kiếm thông tin về vắc xin COVID-19 và đưa ra các khuyến nghị để triển khai chương trình tiêm chủng công bằng và hoà nhập.
Rào cản đối với việc tiếp cận thông tin vắc xin của NKT ngày càng gia tăng
Tiến sĩ Abdul Rohman, giảng viên và chủ nhiệm dự án, cho biết quy trình tiêm chủng còn thiếu các hướng dẫn cụ thể, đặc biệt đối với những người sống ở vùng nông thôn nơi điều kiện tiếp cận Internet và các công nghệ truyền thông còn hạn chế.
Tiến sĩ Rohman chia sẻ: “Thông tin liên quan đến vắc xin thường chung chung và hiếm khi đề cập đến tình trạng khuyết tật và sức khỏe của NKT. Thông tin không được trình bày ở các định dạng phù hợp đối với những cá nhân có trình độ đọc, viết và các dạng khuyết tật khác nhau, bao gồm khuyết tật về thị giác và thính giác, khuyết tật về trí tuệ và phát triển, và khuyết tật tâm lý xã hội”.
Dự án phản ánh những thách thức mà NKT gặp phải khi đăng ký tiêm chủng qua ứng dụng di động hoặc trên cổng thông tin điện tử do thông tin không dễ tiếp cận.
Các cuộc phỏng vấn cũng cho thấy NKT hiểu sai về việc tiêm chủng. NKT thuộc nhóm những người bị suy giảm thể chất nghiêm trọng cho rằng họ không cần phải tiêm chủng vì nguy cơ nhiễm COVID-19 thấp hoặc không hiểu tại sao việc tiêm chủng lại quan trọng.
Chương trình tiêm chủng công bằng sẽ góp phần đạt tỉ lệ tiêm chủng cao
Các nhà nghiên cứu từ RMIT đã đề xuất các cách để thiết kế một chương trình tiêm chủng công bằng như sau:
- Thông tin liên quan đến vắc xin phải có nguồn gốc uy tín, được trình bày ở định dạng dễ tiếp cận và sử dụng hình ảnh minh họa.
- Thông tin nên được phổ biến thông qua các kênh trực tuyến và/hoặc trực tiếp, trên nhiều kênh truyền thông, bao gồm cả truyền thông mạng xã hội.
- Cùng với các trang thiết bị hoàn toàn dễ tiếp cận, các điểm tiêm chủng cần có thông tin về quy trình tiêm chủng đi kèm với bản dịch ngôn ngữ ký hiệu và giấy ghi chú.
- Quy trình đăng ký tiêm vắc xin cần có cách tiếp cận linh hoạt ở cả định dạng kỹ thuật số và phi kỹ thuật số và cần bao hàm một mục để NKT khai báo cụ thể về loại khuyết tật và đưa ra yêu cầu về nơi tiêm chủng.
- Khách mời uy tín, như các nhà lãnh đạo có thẩm quyền, những người có ảnh hưởng trong cộng đồng hoặc NKT nên tham gia vào chương trình tiêm chủng để nâng cao niềm tin và chấp nhận tiêm chủng trong cộng đồng NKT.
Bản thông tin khuyến nghị chính sách đã được chuyển đến hơn 25 tổ chức phi chính phủ trên khắp Việt Nam và có sự tham gia của ba tổ chức NKT ở các tỉnh thành bao gồm Hà Nội, Hà Nam và Thái Bình.
Phạm Lê