Theo Luật sư Đoàn Thị Phương Thảo (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc gia đình Hoàng Ngọc Chiến – đối tượng sát hại dã man người phụ nữ bán nước ở 406 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) đưa ra thông tin nghi phạm có bệnh án tâm thần là một tình tiết rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới bản án sau này. Việc nghi phạm có hồ sơ bệnh án tâm thần không đồng nghĩa với việc sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.
Hung thủ nhiều lần “đuổi cùng giết tận”?
Khoảng 11h50 ngày 25/11, bà H.T.H. (SN 1971, ngụ tại số nhà 406 Hoàng Hoa Thám, phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) đang ngồi bán nước trên vỉa hè trước cửa nhà bất ngờ bị một đối tượng dùng dao đâm vào vùng cổ, khiến bà H. nằm gục tại chỗ và tử vong. Hung thủ sau đó vứt con dao còn dính máu ở cạnh chậu cây cảnh rồi nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường.
Công an quận Tây Hồ phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TP. Hà Nội khẩn trương vào cuộc điều tra, truy bắt hung thủ. Nghi phạm gây án được xác định là Hoàng Ngọc Chiến (SN 1985, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ 4 giờ sau khi gây án, Chiến bị bắt giữ khi đang lẩn trốn trong nhà một người quen tại quê nhà ở xã Liên Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội).
Tại cơ quan công an, Chiến khai nhận trước đây từng sống cùng gia đình ở ngõ 29 phố Thụy Khuê. Năm 2017, Chiến nghi ngờ bà H.T.H. chỉ đạo một người cháu ruột của bà đập cửa kính nhà mình nên Chiến bực tức lên kế hoạch giết bà này để trả thù.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Giết người" và tạm giữ hình sự đối tượng Hoàng Ngọc Chiến để điều tra về hành vi “Giết người”. Thông tin từ gia đình nghi phạm cho hay, Chiến có tiền sử bệnh tâm thần và từng phải điều trị tại bệnh viện, có bệnh án.
Liên quan đến vụ án này, đại diện gia đình nạn nhân H.T.H. cho biết, giữa Hoàng Ngọc Chiến và bà H. hoàn toàn không có mối quan hệ quen biết hay mâu thuẫn nào. Giữa Chiến và cháu ruột nạn nhân chỉ có một mâu thuẫn rất nhỏ nhặt đã xảy ra từ hàng chục năm trước, vậy mà đối tượng lại có sự thù hằn vô cùng lớn.
![]() |
Nghi phạm Hoàng Ngọc Chiến tại cơ quan Công an. |
Sự việc tưởng như đã được giải quyết ổn thoả, nhưng đến năm 2015-2016, Chiến bất ngờ tìm tới khu vực phố Phan Văn Trị (quận Đống Đa, Hà Nội), nơi chú ruột của anh H. đang làm việc và có hành vi gây thương tích cho người này. Khi có sự vào cuộc của cơ quan công an, giữa hai gia đình lại một lần nữa tự hoà giải.
Đến năm 2020-2021, gia đình Chiến chuyển tới sinh sống tại phường Ngọc Thuỵ (quận Long Biên). Cứ nghĩ đã thoát được người hàng xóm có tính côn đồ, thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà chiều tối ngày 11/7/2022, đối tượng Chiến có mặt tại khu vực phố Thuỵ Khuê và lại một lần nữa tìm đến người thân của anh H. để hành hung.
Vào thời điểm này, cậu ruột và bà ngoại của anh H. đang có mặt tại điểm làm Căn cước công dân trên phố Thuỵ Khuê thì người cậu của anh H. bị Chiến truy sát và dùng dao chém gây thương tích. Sự việc sau đó đã được trình báo cơ quan công an, tuy nhiên lần này gia đình anh H. vẫn quyết định bỏ qua cho Chiến vì không muốn gây thêm hằn thù.
“Gia đình chúng tôi không thể hiểu được tại sao Chiến lại mang một mối thù như vậy. Bởi vì nhiều lần Chiến chém người thân trong gia đình, chúng tôi đều đã bỏ qua, chấp nhận giảng hòa để giữ tình cảm hàng xóm. Vậy mà không hiểu sao suốt nhiều năm, Chiến liên tục tìm đến người thân 2 bên gia đình nội – ngoại để truy sát, lần này Chiến giết hại người dì chân yếu tay mềm, k không có thù hằn gì với Chiến”, đại diện gia đình nạn nhân cho biết.
Theo lời người nhà nạn nhân, khoảng 3 tháng trước khi vụ án mạng xảy ra, Hoàng Ngọc Chiến đã từng tìm tới nhà riêng của nạn nhân H.T.H. và có hành vi gây rối, huỷ hoại tài sản tại đây. Cụ thể, vào thời điểm đó, Chiến xuất hiện ở khu vực phía trước số nhà 406 Hoàng Hoa Thám và dò hỏi nhân viên đứng quầy của hiệu thuốc để xác định địa điểm này có phải nhà riêng của bà H. hay không. Ngay khi được xác nhận rằng đây đúng là nhà bà H., Chiến lập tức tìm nhặt một viên gạch trên đường, sau đó thẳng tay ném vỡ tủ kính quầy thuốc ở trước cửa nhà.
Người nhà nạn nhân mong cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ án, pháp luật xử đúng người, đúng tội. Đồng thời cho rằng, đối tượng Chiến không hề bị tâm thần. Nguyên nhân khiến Chiến nhiều lần hành hung và sát hại những người không hề quen biết mình xuất phát từ sự thù hằn suốt nhiều năm qua của đối tượng. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày xảy ra cách đây nhiều năm mà Chiến đã lên kế hoạch rất kỹ và nhiều lần tìm cách trả thù bằng bạo lực.
Cần xác định rõ năng lực hành vi của đối tượng khi gây án
Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đoàn Thị Phương Thảo (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo thông tin vụ việc thì do mâu thuẫn với cháu của nạn nhân nên hung thủ Chiến đã lên kế hoạch trả thù. Trước khi gây án, hung thủ đã nhiều lần tấn công, dùng dao đâm chém người nhà của nạn nhân. Tuy nhiên, hung thủ lại có hồ sơ bệnh án về bệnh tâm thần. Vậy hung thủ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu hình phạt của pháp luật trước một chuỗi những hành vi có tính chất côn đồ, man rợ và đã có chủ đích từ trước hay không?
Điều 21 BLHS 20015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, theo quy định pháp luật thì một người bị bệnh tâm thần được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự, do đó không phải chịu trách nhiệm hình sự trước những hành vi nguy hiểm của bản thân gây ra. Đây chính là sự nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là cứ có hồ sơ, bệnh án chẩn đoán tâm thần thì sẽ được miễn hoặc giảm trách nhiệm hình sự do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Để xác định chính xác một người bị mắc bệnh tâm thần hay không thì ngoài hồ sơ bệnh án còn phải phụ thuộc vào kết luận giám định tâm thần xem đối tượng có mắc bệnh tâm thần hay không (thực hiện trưng cầu giám định theo khoản 1 Điều 206 BLTTHS 2015).
![]() |
Luật sư Đoàn Thị Phương Thảo (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). |
Theo đó bệnh lý của người có hành vi phạm tội phải được Hội đồng giám định pháp y về tâm thần tiến hành giám định, xác định và kết luận bằng một bản Kết luận giám định pháp y tâm thần. Bản kết luận giám định sẽ là căn cứ để các Cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự của họ.
Chính vì vậy, người thực hiện hành vi phạm tội chỉ được miễn trách nhiệm hình sư khi tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người đó có kết luận bằng một bản Kết luận giám định pháp y tâm thần của Hội đồng giám định pháp y về tâm thần, kết luận họ đang mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Trên thực tế, có không ít trường hợp vì để “thoát tội” đã làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần. Tuy nhiên, các đối tượng lợi dụng bỏ bọc bệnh án tâm thần để phạm tội vẫn đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bởi lẽ khi trưng cầu giám định pháp y tâm thần chắc chắn sẽ bị phát hiện, đồng thời cũng không thể qua mặt được cơ quan điều tra.
Xem xét trong vụ việc trên, có thể nhận thấy rằng, việc nghi phạm Chiến có hồ sơ bệnh án tâm thần không đồng nghĩa với việc sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào Kết luận giám định pháp y tâm thần sẽ xác định chính xác thời điểm Chiến gây án có mắc tâm thần và bị bệnh chi phối hay không. Từ đó, Cơ quan điều tra sẽ có căn cứ để ra kết luận đối với hành vi của Chiến. Nếu bản Kết luận giám định xác định Chiến mắc bệnh bệnh tâm thần thì Chiến sẽ được miễn trách nhiệm hình sự đồng thời sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng gửi đi vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp khi gây án Chiến đang trong trạng thái hoàn toàn bình thường thì vẫn phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Hành vi dùng dao đâm nhiều nhát vào nạn nhân cho đến chết, giữa nạn nhân và Chiến không có quen biết, Chiến thực hiện hành vi trả thù nạn nhân vì cho rằng nạn nhân đã xúi giục H từ nhiều năm về trước. Đây có thể coi là phạm tội có tính chất côn đồ. Do đó mức hình phạt đối với Chiến có thể từ 12 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân, cao nhất có thể là tử hình. Mức hình phạt dành cho Chiến còn phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra.
Ngoài ra, trường hợp Chiến thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái bình thường nhưng trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa Chiến vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, Chiến vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 điều 49 BLHS 2015.