- Học viện tư pháp vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phê duyệt đề án Đề án "Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp" theo Quyết định 1155/QĐ-TTg ngày 30/09/2022.
Mục tiêu tổng thể đề án, Quyết định 1155/QĐ-TTg (Đính kèm) nêu rõ: Khẳng định và nâng tầm giá trị thương hiệu “Học viện Tư pháp là trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế của các Bộ, ngành khác và của các doanh nghiệp theo nhu cầu xã hội”. Đến năm 2030, Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và có vị trí trong khu vực.
Bên cạnh đó, Đề án tiếp tục thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ tại Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” được phê duyệt tại Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời điều chỉnh, bổ sung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mới phù hợp với bối cảnh và yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới.
Giai đoạn 2021-2025 khẳng định chất lượng đạo tạo
Về mục tiêu cụ thể, trong Giai đoạn 2021-2025, Học viên Tư pháp Đào tạo nghề luật sư 2.000 người/năm, trong đó có đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế: 100 - 150 người/năm, đào tạo nghề luật sư chất lượng cao 120 - 200 người/năm;
Đào tạo nghề công chứng: 1.000 người/năm, trong đó đào tạo nghề công chứng chất lượng cao 100 - 150 người/năm; Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư: 200 người/năm; Đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự: 150 người/năm; Đào tạo nghề đấu giá: 100 người/năm; Đào tạo nghề Thừa phát lại: 100 người/năm; Tổ chức đào tạo lại các chức danh nêu trên theo nhu cầu xã hội với chỉ tiêu từ 100 - 300 người/năm; Nghiên cứu thí điểm mô hình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại: từ năm 2023 đến năm 2025 mỗi năm 50 – 60 người.
Về chỉ tiêu bồi dưỡng: Bồi dưỡng cho luật sư: 300 người/năm; Bồi dưỡng cho công chứng viên: 300 người/năm; Bồi dưỡng cho thừa phát lại: 50 người/năm; Bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án và kế toán nghiệp vụ thi hành án 100 người/năm; Bồi dưỡng cho công chức tư pháp - hộ tịch: 200 người/năm; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức: 1.150 người/năm; Bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý: 500 người/năm; Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm: 1.600 người/năm; Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng áp dụng pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp luật, pháp chế của các Bộ, ngành, các Hội đồng nhân dân, các Sở thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp, các Tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước: 1.000 lượt người/năm; Bồi dưỡng tiếng Anh pháp lý cho các chức danh tư pháp, công chức, viên chức và theo nhu cầu xã hội với chỉ tiêu 100-150 người học/năm; Nghiên cứu mở rộng bồi dưỡng Trọng tài thương mại, Hòa giải viên thương mại, Công chức tư pháp - hộ tịch; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức: 50 người/năm.
Về chất lượng: Nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế. Xây dựng 04 chương trình đào tạo mới ; xây dựng mới và chỉnh sửa 15 chương trình bồi dưỡng ; bảo đảm liên thông các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong nội bộ Học viện Tư pháp, giữa Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo luật và nghề luật khác trong nước và quốc tế;
Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống học liệu đào tạo, bồi dưỡng. Hệ thống học liệu đáp ứng đáp ứng được nhu cầu giảng dạy của giảng viên và nhu cầu tự học của học viên trong mọi điều kiện khác nhau (đào tạo trực triếp, đào tạo trực tuyến (E-learning), đào tạo theo hình thức hỗn hợp (Blended – Learning), phù hợp với yêu cầu của thời kỳ công nghệ 4.0 vào phát triển hệ thống học liệu. Phấn đấu đến năm 2025 số hóa được 50% bài giảng và 70% giáo trình, hồ sơ tình huống của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp.
Tăng cường số lượng giảng viên cơ hữu lên 85 giảng viên. Trong đó, tổng số giảng viên đã từng có chức danh tư pháp đạt khoảng 23% so với tổng số giảng viên cơ hữu. Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên thỉnh giảng trên cơ sở rà soát, chọn lọc những giảng viên giỏi, có uy tín, kinh nghiệm; đồng thời, xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên thỉnh giảng.
Chuẩn hóa, hoàn thiện bộ công cụ kiểm soát, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp. Từ năm 2021 đến năm 2025 tổ chức tự đánh giá trong nội bộ Học viện Tư pháp để làm cơ sở tự điều chỉnh, phát triển.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp và cán bộ làm công tác pháp luật.
Về xây dựng thể chế: Đào tạo các chức danh tư pháp theo định hướng đẩy mạnh tự chủ toàn diện của đơn vị sự nghiệp công lập; có chính sách và thể chế quản trị đào tạo thu hút nguồn nhân lực ngành luật và chức danh tư pháp chất lượng cao; hài hòa về chất lượng, số lượng, năng lực tham gia giáo dục đào tạo của giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng; tăng cường sự tham gia của các cơ sở thực hành nghề luật vào hệ thống giáo dục đào tạo của Học viện Tư pháp; thu hẹp khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý thuyết và kỹ năng; có chính sách giáo dục đào tạo tăng cường sự kết nối với thị trường dịch vụ pháp lý và ứng dụng nghề luật.
Về hợp tác Quốc tế: Tiếp tục củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế sẵn có, chủ động kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học của các nước trong và ngoài khu vực và các tổ chức quốc tế khác; tăng cường trao đổi, học tập công nghệ đào tạo tiên tiến, hiện đại.
Về cơ sở vật chất: Phát triển cơ vật chất hiện có, mở rộng đầu tư xây dựng thêm trụ sở mới đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của xã hội, từng bước xúc tiến việc xây dựng mô hình trường học thông minh, với hệ thống quản trị hiện đại, đáp ứng linh hoạt nhu cầu học tập mọi lúc mọi nơi của người học.
Thêm 04 chức danh mới được đào tạo trong giai đoạn 2026-2030
Về quy mô Đào tạo nghề luật sư 1.000 - 1.500 người/năm, trong đó có đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế: 200 người/năm, đào tạo nghề luật sư chất lượng cao 500 - 700 người/năm; Đào tạo nghề công chứng: 600 - 800 người/năm, trong đó đào tạo nghề công chứng chất lượng cao 200 - 300 người/năm; Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự; Đào tạo nghề đấu giá; Đào tạo nghề Thừa phát lại: Đảm bảo chỉ tiêu như giai đoạn 2021 – 2025; Đào tạo 04 chức danh mới (Thẩm tra viên thi hành án dân sự, Thư ký thi hành án dân sự; Đăng ký viên giao dịch bảo đảm, Trợ giúp pháp lý): mỗi chức danh 50-100 người/năm; Đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại: 100 người/năm.
Chỉ tiêu bồi dưỡng: Giữ vững các chỉ tiêu bồi dưỡng như giai đoạn 2021 – 2025.
Nâng tầm chất lượng, hiệu quả thực hiện các mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2021-2025 theo hướng hiện hữu hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống tổ chức quản trị hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thông minh, linh hoạt, số hóa một cách tối ưu các hoạt động giảng dạy, học tập và quản trị đào tạo, bồi dưỡng; thân thiện với người dạy, nguời học. Đến năm 2030 số hóa được 100% bài giảng và 100% giáo trình, hồ sơ tình huống của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Duy trì và phát huy hiệu quả năng lực cạnh tranh bền vững về đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng và đưa vào áp dụng 04 chương trình đào tạo đối với 04 chức danh mới với chỉ tiêu của từng chức danh là 50-100 người/năm gồm: Trọng tài thương mại, hòa giải viên thương mại, tư pháp-hộ tịch, quản tài viên; Xây dựng mới và chỉnh sửa khoảng 15 chương trình bồi dưỡng; Bảo đảm số lượng giảng viên cơ hữu đạt 105 giảng viên, nâng tổng số giảng viên đã từng có chức danh tư pháp đạt khoảng 25% so với tổng số giảng viên cơ hữu. Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên thỉnh giảng.
Tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế và trong nước, tranh thủ mọi nguồn lực và kinh nghiệm trong việc tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế.
Hoàn thành việc xây dựng thêm trụ sở mới; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho cả trụ sở Học viện Tư pháp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng cao nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với mô hình trường học thông minh, với hệ thống quản trị hiện đại.
Kinh phí thực hiện đề án từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu hợp pháp khác của Học viện Tư pháp và nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước