- VnMedia xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 29/9, bao gồm: BMP, VSH, MWG.
Cổ phiếu được khuyến nghị ngày 29/9: BMP, VSH, MWG (Ảnh minh họa) |
Khuyến nghị mua cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 77.500 đồng/CP
CTCK Vietcombank - VCBS
Giá nguyên vật liệu đầu vào PVC sau khi có mức tăng từ 900 USD/tấn lên 2000 USD/tấn vào tháng 11/2021 đã sụt giảm mạnh về mức 950 USD/tấn hiện nay. CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – sàn HOSE) sau khi tăng giá bán lên 59 triệu đồng/tấn trong nửa đầu năm 2022 chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán trong nửa cuối 2022 sẽ là động lực tiếp tục mở rộng biên lợi nhuận, đặc biệt trên mức nền thấp của nửa cuối 2021 do Covid-19.
Trong nửa cuối 2022 và 2023, sản lượng tiêu thụ phía Nam sẽ chỉ hồi phục từ nền thấp của năm 2022 chứ không cho mức tăng trưởng mạnh so với trước dịch do nguồn cung mới khá hạn chế.
Tuy nhiên trong dài hạn, VCBS kỳ vọng việc hồi phục nguồn cung từ các dự án bất động sản sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận chính cho BMP. Bên cạnh đó, BMP cũng đang thực thi mạnh mẽ kế hoạch gia tăng thị phần của mình tại các thị trường miền Bắc và miền Trung bằng các chính sách khuyến mãi hấp dẫn.
Định giá bằng phương pháp P/E: EPS forward 7.691 đồng/cp, P/E mục tiêu 10x = 77.000 đồng/cp. Định giá bằng phương pháp chiết khấu FCFF: Giá trị 1 cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu FCFF đạt 78.000 đồng/cp. Giá mục tiêu định giá theo 2 phương pháp đạt 77.500 đồng/cp (UPSIDE: 30%), đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BMP.
Khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu VSH
CTCK Mirae Asset Việt Nam – MASVN
Theo Dự thảo Quy hoạch điện 8, tăng trưởng nhu cầu điện hàng năm sẽ đạt khoảng 9% trong giai đoạn 2021-2030 F nhờ tốc độ dân số tăng trưởng nhanh và dòng vốn FDI dồi dào. Cuối T7/2022, mảng Sản xuất và chế biến chiếm đến 74,6% tổng vốn FDI đăng ký thêm, phản ánh tiềm năng nhu cầu điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hưởng lợi chính từ quá trình tự do hóa thị trường điện. Chi phí sản xuất thấp giúp CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) có lợi thế trong việc bán điện thông qua Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Bên cạnh đó, cam kết của Nhà nước nhằm đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc giá than, khí tăng nhanh đã hỗ trợ tỷ lệ huy động của thủy điện so với các nguồn điện khác.
Nhà máy Thượng Kontum (220MW) đã đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2021. Nhà máy ước tính cung cấp khoảng 814 triệu kWh điện mỗi năm, nâng tổng công suất sản xuất lên 356 MW. Hiện tại, công ty đang đàm phán với EVN để nâng giá bán trung bình của Thượng Kon Tum từ 1.100 đồng/kWh lên 1.300 đồng/kWh. Nếu thành công, Lợi nhuận trước thuế (LNTT) của VSH dự kiến sẽ tăng thêm trung bình 200 tỷ đồng/năm.
Sản lượng cao hơn dự kiến nhờ giai đoạn La Nina kéo dài đến cuối năm 2022 với xác suất cao từ 55%-65%. Cụ thể, Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo trong Q4/2022, lượng mưa sẽ có khả năng lớn hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
VSH có cơ cấu sở hữu cô đặc với 90,9% cổ phần thuộc sở hữu của 3 cổ đông lớn. Cụ thể, REE Energy đã mua thành công 2,2 triệu cổ phiếu VSH vào tháng 5/2021, tăng tỷ lệ sở hữu từ 49,52% lên 50,45% và chính thức hợp nhất kết quả kinh doanh của VSH vào báo cáo tài chính từ Q2/2021. Với sự hỗ trợ của REE, MASVN kỳ vọng quá trình đàm phán giá bán của Thượng Kon Tum với EVN sẽ diễn ra nhanh hơn.
Nhờ sản lượng huy động cao trong giai đoạn La Nina và giá bán bình quân được cải thiện, MASVN kỳ vọng sản lượng điện thương phẩm của VSH sẽ đạt 2.298 triệu kWh vào năm 2022 F (+29,8% CK) với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.373 tỷ đồng (+47,3% CK) và 848 tỷ đồng (+118,7% CK).
Kết hợp hai phương pháp Dòng tiền chiết khấu và EV/EBITDA, giá mục tiêu 12 tháng của VSH dự kiến là 48.645 đồng (lợi nhuận kỳ vọng: 19,1%). MASVN khuyến nghị Tăng Tỷ Trọng với cổ phiếu VSH. MASVN cho rằng, VSH là lựa chọn đầu tư an toàn với mức cổ tức tiền mặt đều đặn 1.000 đồng/cp nhờ dòng tiền hoạt động ổn định.
Ảnh minh họa |
Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu MWG
CTCK KIS Việt Nam - KIS
Trong tháng 8, doanh thu thuần của CTCP Thế giới di động (MWG – sàn HOSE) đã tăng vọt 60% so với cùng kỳ lên 10,4 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 33% lên 3,2 nghìn tỷ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của MWG tăng 18% so với cùng kỳ lên 92,3 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 6% lên 3,2 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu từ chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh lần lượt đạt 24,5 nghìn tỷ đồng và 48,8 nghìn tỷ đồng, đóng góp 79,5% tổng doanh thu của MWG. Tổng doanh thu của 2 chuỗi này tăng 27%, đặc biệt, doanh thu từ điện thoại và điện máy tăng 118%.
Trong khi đó, doanh thu của Bách hóa xanh giảm 15% xuống 17,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 19% tổng doanh thu của MWG. Bách hóa xanh đã hoàn thành tái cơ cấu, đóng cửa các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả và đạt mục tiêu doanh thu 1,36 nghìn tỷ đồng/tháng/cửa hàng vào tháng 8/2022, tăng 5% so với tháng trước.
Doanh thu online tăng 71% lên 13 nghìn tỷ đồng, đóng góp 14% vào tổng doanh thu của MWG. Trong đó, tỷ trọng đóng góp doanh thu của kênh online đối với Thế giới di động, Điện máy xanh và Bách hóa xanh lần lượt là 17% và 3%. Trong tháng 8, doanh thu online của Thế giới di động và Điện máy xanh giảm 13% so với tháng trước xuống 1,2 nghìn tỷ đồng, trong khi đó doanh thu online của Bách hóa xanh vẫn ổn định ở mức 72 nghìn tỷ đồng.
Đến tháng 8/2022, MWG có 1.086 cửa hàng Thế giới di động (tháng 7: 1.070 cửa hàng), 2.222 cửa hàng Điện máy xanh (tháng 7: 2.185 cửa hàng), 1.726 cửa hàng Bách hóa xanh (tháng 7: 1.735 cửa hàng), 509 nhà thuốc An Khang (tháng 7: 432 cửa hàng), 80 cửa hàng AVAKids (tháng 7: 68 cửa hàng) và 12 cửa hàng AVASports (tháng 7: 12 cửa hàng).
Chúng tôi kỳ vọng doanh thu của MWG trong quý III/2022 là khả quan so với quý II/2022 nhờ hoàn thành tái cơ cấu Bách hóa xanh và doanh thu từ bán máy tính xách tay sẽ tăng mạnh trước giai đoạn tựu trường.
MWG đang giao dịch với TTM PE là 20x, cao hơn mức trung bình hai năm là 18.3x. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu này.