- Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã nói với Reuters rằng Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục tìm kiếm một cơ sở pháp lý “chắc chắn” để thúc đẩy kế hoạch tịch thu tài sản của Nga ở nước ngoài.
Bà Yellen nói rằng bất kỳ hành động nào như vậy sẽ cần có cơ sở pháp lý chặt chẽ, ngay sau cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Nhóm 20 ở Brazil, trong đó bà đã không đạt được thỏa thuận hỗ trợ Kiev sử dụng tiền của Nga.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ lưu ý rằng bất chấp sự hoài nghi từ một số nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) về việc tịch thu tài sản của Nga, vẫn có nhiều cách để khai thác 300 tỷ USD thuộc về Ngân hàng Trung ương Nga, chẳng hạn như sử dụng số tiền này làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Bà Yellen cũng đề cập đến một đề xuất mới để phát hành một khoản vay hợp vốn mà bà này miêu tả là một “lựa chọn thú vị”.
“Có những vấn đề pháp lý phức tạp ở đây. Chúng tôi đồng ý rằng bất cứ điều gì chúng ta làm đều phải có cơ sở pháp lý quốc tế cũng như trong nước vững chắc”, bà Yellen nói.
Trong khi Mỹ và Anh đang thúc đẩy các hành động nhằm tịch thu hoàn toàn các tài sản bị đóng băng của Nga thì EU lại cảnh báo về những tác động pháp lý và tài chính của động thái đó.
Tại cuộc họp ở Sao Paulo mới đây, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã công khai đặt câu hỏi bày tỏ sự nghi ngờ về quan điểm của bà Yellen cho rằng việc khai thác các quỹ của Nga là hợp pháp, bộc lộ sự rạn nứt giữa các nước G7.
Lập luận rằng phương Tây hiện không có “cơ sở pháp lý để tịch thu tài sản của Nga”, Bộ trưởng Le Maire kêu gọi một cách tiếp cận thận trọng hơn, tập trung vào các động thái của EU nhằm thu giữ lợi ích thu được từ tài sản được nắm giữ tại cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear.
Nhắc lại nhận xét của mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói rằng EU đang xem xét “một bước đi an toàn về mặt pháp lý” để sử dụng số tiền thu được từ các tài sản bị phong tỏa của Nga.
Pháp và Đức, cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu, bày tỏ lo ngại nhất rằng việc tịch thu tài sản của Nga có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tài chính và làm xói mòn niềm tin vào vị thế đồng tiền dự trữ của đồng euro.