- Đồng rúp của Nga đã giảm hơn 3% so với đồng euro trên Sàn giao dịch Moscow trong phiên giao dịch ngày hôm qua (6/7), xuống dưới mức tỷ giá mốc 100 đối với loại tiền tệ này.
Theo dữ liệu tỉ giá hối đoái, đồng rúp đạt hơn 102 so với đồng euro trong giao dịch buổi sáng ngày hôm qua, khiến nó thấp hơn 3 rúp so với thời điểm đóng cửa giao dịch ngày hôm trước.
Đồng tiền của Nga cũng đã suy yếu so với đồng đô la Mỹ (USD), giao dịch ở mức gần 94 rúp so với đồng bạc xanh. Tỷ giá so với đồng euro và đồng đô la đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2022.
Ngân hàng trung ương có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ trong trường hợp có rủi ro đối với sự ổn định tài chính quốc gia, mặc dù hiện tại không có mối nguy hiểm nào như vậy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina hôm qua cho biết.
Bà Nabiullina giải thích rằng đồng rúp mất giá là do sự thay đổi trong tỷ lệ giữa xuất nhập khẩu của Nga.
“Chúng ta đã thấy rằng khi tỷ giá đồng rúp suy yếu, nhiều thuyết âm mưu xuất hiện cho rằng nó được thực hiện với mục đích tăng thu ngân sách. Trên thực tế, động lực của ngoại thương quyết định phần lớn tỷ giá hối đoái,” bà Nabiullina phát biểu tại một hội nghị tài chính ở St. Petersburg.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina miêu tả tỷ giá hối đoái thả nổi có lợi cho nền kinh tế, giúp nó thích nghi với những cú sốc bên ngoài. Bà Nabiullina nói thêm rằng ngân hàng trung ương có các công cụ để làm dịu đi những biến động ngắn hạn của đồng rúp.
Điện Kremlin cũng đã bác bỏ mọi gợi ý về sự bất ổn kinh tế vĩ mô.
“Chúng ta chứng kiến sự biến động – ngoại tệ tăng giá, đồng rúp giảm giá. Nhưng chúng ta đã chứng kiến tất cả điều này trước đây. Tỉ giá sẽ hồi phục trở lại. Thông thường, có một phần lớn hoạt động đầu cơ thị trường đằng sau sự biến động,” phát ngôn viên của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov hôm qua đã nói với các nhà báo như vậy.
Đồng tiền này đã mất giá mạnh kể từ cuộc nổi loạn ngắn ngủi của công ty quân sự tư nhân Wagner. Nhóm do thủ lĩnh Evgeny Prigozhin lãnh đạo đã phát động một cuộc nổi dậy chống lại giới lãnh đạo quân sự của Nga vào ngày 23-24 tháng 6.
Đồng rúp cũng chịu áp lực trong những tuần gần đây do giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây hạn chế đầu tư nước ngoài và hạn chế nguồn cung ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu.