- Hãng tin Bloomberg hôm qua (21/5) dẫn dữ liệu theo dõi tàu hàng từ Kpler cho biết việc nhập khẩu năng lượng của châu Á để sản xuất điện đã tăng đột biến trong những tuần gần đây do nhu cầu cao trong bối cảnh thời tiết nắng nóng bất thường.
Theo báo cáo, nhập khẩu than đã tăng lên 7,46 triệu tấn trong tháng 4, cao hơn gần 1/3 so với cùng thời điểm năm 2022. Trong khi đó, lượng giao hàng dầu nhiên liệu cao kỷ lục trong cả tháng 4 và tháng 3, các dữ liệu cho thấy. Cả hai loại nhiên liệu thường được sử dụng bởi lưới điện.
Trung Quốc và Ấn Độ là những khách hàng mua năng lượng lớn nhất của Nga trong tháng trước, chiếm hơn 2/3 lượng than xuất khẩu của nước này sang châu Á. Cả hai quốc gia đã tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga vào năm ngoái, tận dụng các khoản giảm giá được Moscow đưa ra nhằm nỗ lực đảm bảo thị trường mới khi hàng xuất khẩu của Nga bị người mua phương Tây xa lánh trong bối cảnh các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Hàn Quốc, Việt Nam, Malaysia và Sri Lanka cũng đã trở thành những khách hàng mua than lớn của Nga, trong khi Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đã tăng cường mua dầu nhiên liệu của Nga.
Các nhà phân tích nhận định rằng, xuất khẩu năng lượng sang châu Á sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới do sự xuất hiện của El Nino - một kiểu khí hậu nắng nóng định kỳ ảnh hưởng đến thời tiết và có thể gây ra hạn hán trong khu vực. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science tuần này, El Nino năm nay dự kiến sẽ phát triển từ tháng 5 đến tháng 7 và có khả năng đặc biệt mạnh.
Theo ông John Driscoll, người đứng đầu JTD Energy Services Pte tại Singapore, nhu cầu ngày càng tăng đối với năng lượng của Nga ở châu Á cũng cho thấy nhiều quốc gia đang lựa chọn an ninh năng lượng thay vì lợi ích chính trị.
“Nơi tồi tệ nhất hiện nay trong bối cảnh nhiệt độ khắc nghiệt này là Nam Á, đặc biệt là các quốc gia nghèo hơn như Pakistan hay Bangladesh. Khi bạn thậm chí không thể quan tâm đến những nhu cầu cơ bản của người dân của mình, thì rất khó để quan tâm quá nhiều đến các vấn đề quốc tế… [Họ] đang tự hỏi bản thân là chúng ta nên mạo hiểm phạm lỗi với Mỹ hay từ bỏ việc được mua năng lượng với giá giảm giá mạnh? Khi có một thỏa thuận tốt trên bàn, làm sao các quốc gia nghèo hơn có thể từ chối?” ông Driscoll đã nói như vậy với Bloomberg.