- Ủy ban châu Âu đã tăng dự báo triển vọng của nền kinh tế Nga vào năm 2023 trong Dự báo kinh tế mới nhất vừa được công bố ngày hôm qua (15/5).
Theo tài liệu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga dự kiến vẫn giảm, nhưng chỉ ở mức 0,9% so với mức giảm 3,2% mà Ủy ban Châu Âu dự đoán vào mùa thu năm ngoái.
“Việc EU đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, tránh khí đốt từ Nga cùng với lệnh cấm vận dầu vận chuyển trên biển và các sản phẩm dầu tinh chế, dự kiến sẽ cản trở sự phục hồi xuất khẩu của Nga do Nga khó có thể thay thế hoàn toàn các thị trường đã mất... Vì vậy, xuất khẩu ròng sẽ tạo ra một lực cản tiêu cực về tăng trưởng,” Ủy ban Châu Âu cho biết.
Theo tài liệu Dự báo kinh tế của Ủy ban Châu Âu, tiền lương danh nghĩa ở Nga dự kiến sẽ cao hơn lạm phát trong năm nay, nhưng tiêu dùng cá nhân được dự báo sẽ vẫn ở mức “suy giảm” trong bối cảnh bất ổn liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.
Ủy ban dự đoán các quỹ công sẽ tiếp tục hỗ trợ năng lực sản xuất trong nước, mặc dù họ dự đoán rằng hoạt động đầu tư có thể sẽ chậm lại so với năm 2022 do “đầu tư tư nhân mới bị hạn chế vì lợi nhuận giảm, sự ra đi của các công ty phương Tây và tình trạng bất ổn kéo dài”. Tuy nhiên, dự báo cho rằng gói kích thích tài khóa sẽ “bù đắp hoàn toàn những diễn biến tiêu cực này”.
Ủy ban Châu Âu cũng dự đoán rằng khi nền kinh tế Nga dần điều chỉnh theo các lệnh trừng phạt của phương Tây, GDP của nước này sẽ cho thấy “sự phục hồi khiêm tốn 1,3%” vào năm 2024.
“Tuy nhiên, sự cô lập quốc tế và xoay trục sang nền kinh tế chiến tranh dự kiến sẽ chuyển các nguồn lực sang các lĩnh vực kém hiệu quả hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng tiềm năng trong tương lai”, báo cáo cảnh báo.
Ủy ban Châu Âu nhận thấy lạm phát ở Nga giảm từ mức cao năm 2022 xuống còn khoảng 6,4% trong năm nay và giảm thêm xuống 4,6% vào năm 2024. Tuy nhiên, dự báo cảnh báo rằng kỳ vọng lạm phát tăng cao và rủi ro lạm phát do chi tiêu tài chính cao, các vấn đề thương mại do lệnh trừng phạt và áp lực tiền lương trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt có thể “hạn chế khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ bất chấp triển vọng kinh tế mong manh”.