Đó không chỉ thuần túy là một câu chuyện riêng của ngành tài chính – ngân hàng hay lĩnh vực an sinh xã hội, hoặc là cả hai cộng lại.
Một khía cạnh cho đến hiện tại vẫn còn chưa được nhắc đến nhiều quanh tuyên bố phá sản của ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank, chính là việc các công ty khởi nghiệp công nghệ (start-up) toàn cầu đã phải nhận một cú đòn choáng váng, đi kèm lời cảnh báo lạnh lẽo về sự “mong manh” của họ.
Hay nói cách khác, để duy trì được tốc độ phát triển vũ bão hiện thời, nền khoa học - công nghệ toàn cầu cần phải được tái củng cố và xây đắp những “bệ đỡ” tài chính vững vàng hơn.
Chiếc “xương sống” đã gãy gập
Để bắt đầu, có lẽ cũng không thừa khi chúng ta nhắc lại vai trò của Silicon Valley Bank, cho dù trong cái tên của nó, hầu như tất cả những “manh mối” và ý niệm đã hiện lên rõ rệt.
Không ít ngân hàng bị “vạ lây” bởi sự sụp đổ của SVB. |
Nếu Silicon Valley là “kinh đô công nghệ” của nước Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung, thì Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) được coi là “xương sống” của ngành đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực này. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống, SVB còn tài trợ cho các dự án công nghệ. Thí dụ, theo hãng tin Reuters, nhà sản xuất trò chơi điện tử Roblox Corp hay nhà sản xuất thiết bị phát trực tuyến Roku Inc cho biết: Họ có hàng trăm triệu USD tiền gửi tại đây.
Theo số liệu của Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) Hoa Kỳ, tính đến cuối tháng 12/2022, SVB có khoảng 209 tỷ USD tài sản và 175,4 tỷ USD tiền gửi. Nhưng, 89% trong số 175,4 tỷ USD này không được bảo hiểm. Bởi vậy, sự kiện SVB phá sản - vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 (mà đỉnh điểm là sự vụ ngân hàng Washington Mutual, với 307 tỷ USD tài sản và 188 tỷ USD tiền gửi, buộc phải đóng cửa), thực sự là một cơn địa chấn đúng nghĩa, làm rung chuyển giới start-up khoa học công nghệ quốc tế.
Vì sao một kết cấu khổng lồ như SVB lại vụn vỡ một cách dễ dàng như vậy? Trên bề mặt, lý do đơn giản nhất được đưa ra cho đến hiện tại là tâm lý hoảng loạn của đám đông khách hàng.
Ngày 8/3, SVB thông báo bán tháo một loạt chứng khoán và sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán. Cảm nhận được “mùi bất trắc”, hàng loạt doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm cũng như các start-up công nghệ đồng loạt rút tiền khỏi SVB. Ngày 9/3, nghĩa là chỉ 24h sau, cổ phiếu của SVB đổ sập trên thị trường chứng khoán (kéo theo một “hiệu ứng domino” nho nhỏ, khi một số ngân hàng khác cũng bị “vạ lây”, và nhanh chóng trở nên khánh kiệt). Sáng 10/3, cổ phiếu SVB buộc phải ngừng giao dịch. Cùng lúc, những nỗ lực tăng vốn gấp rút cũng đi vào ngõ cụt.
Đồng thời, chính quyền bang Califonia tuyên bố đóng cửa SVB, giao lại cho FIDC tiếp quản. "Điều kiện của SVB đã xấu đi quá nhanh, khiến cho tình trạng này không thể kéo dài, dù chỉ 5 tiếng nữa (đến cuối ngày giao dịch chứng khoán). Đó là bởi những người gửi đang rút tiền quá nhanh khiến ngân hàng vỡ nợ, và việc đóng cửa trong ngày là điều không thể tránh khỏi", ông Dennis M. Kelleher - một chuyên gia tài chính – chứng khoán, cũng là CEO của hãng Better Markets nhận xét.
Đồ thị giá cổ phiếu của SVB, sáng 10/3/2023. |
Tuy vậy, có lẽ ai cũng hiểu, khuất lấp phía sau “hiệu ứng đám đông”, “cái chết” của SVB bắt nguồn từ những nguyên nhân khác, nằm sâu trong cơ chế vận hành của ngành ngân hàng - tài chính Mỹ.
Một cách ngắn gọn, theo giới chuyên môn, sự sụp đổ của SVB một phần là do việc tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong năm qua.
Hãng tin tài chính uy tín hàng đầu thế giới Bloomberg dẫn các nguồn tin thân cận cho biết: Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang cân nhắc nới lỏng các điều khoản, cho phép các ngân hàng tiếp cận “cửa sổ chiết khấu” (là một công cụ cho vay của ngân hàng Trung ương, nhằm giúp các ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn), như phương thức trước mắt ngăn chặn vụ sụp đổ khác tương tự ngân hàng SVB.
Động thái này được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực của các ngân hàng, trong việc đáp ứng các yêu cầu rút tiền của người gửi tiền (mà không phải bù lỗ bằng cách bán trái phiếu và các tài sản khác, vốn đã giảm giá trị trong bối cảnh lãi suất tăng).
Và sâu xa hơn nữa, rõ ràng, chuyện một làn sóng hoảng loạn dễ dàng lan rộng trong cộng đồng những người gửi tiền ở SVB, để rồi nhanh chóng cuốn phăng cả một cấu trúc tưởng chừng cực kỳ vững chắc (dựa trên đồ thị phát triển chóng mặt của ngành công nghệ) cũng ngấm ngầm phản ánh những góc khuất trong kết cấu kinh tế - xã hội Mỹ hiện thời.
Một thảm họa về an sinh xã hội. |
Có thể sẽ là bi kịch hóa vấn đề, nếu chúng ta vội vã đề cập đến một viễn cảnh “đại suy thoái” nào đó, như ở cuối những năm đầu thiên niên kỷ. Song, khi dư chấn của sự tê liệt trong thời gian đại dịch COVID-19 vẫn còn đang vương vất, khi chiến tranh và xung đột trên thế giới vẫn đã và đang liên tục “hăm dọa” tạo nên các sức ép cực lớn về giá nhiên liệu hay giá lương thực, qua đó tiếp tục phác thảo những cuộc khủng hoảng về năng lượng hay chi phí sinh hoạt, khiến cho chuỗi hoạt động sản xuất-vận tải–thương mại trở nên khó khăn hơn, để biến những gói cứu trợ khổng lồ mà chính quyền đương kim tổng thống Mỹ Joe Biden ưa thích áp dụng thành một dạng “con tin” nằm giữa gọng kìm “nguồn thu nào cho ngân khố” và “nguy cơ lạm phát”…, thì tâm lý “phòng thủ” của các nhà đầu tư cũng như của cả người dân Mỹ nói chung là hoàn toàn dễ hiểu.
Vấn đề của ngành tài chính – ngân hàng Mỹ là thích ứng được với bối cảnh ấy, với tâm lý “cẩn thận không thừa” từ đông đảo khách hàng. Hay nói đúng hơn, nhìn từ sự sụp đổ của SVB, các ngân hàng cần được bảo vệ và giúp đỡ, trong hoàn cảnh ngặt nghèo này.
Nhưng rất tiếc, phải đến khi cơ thể khổng lồ của “chiếc xương sống” SVB đổ ập xuống, FED và FDIC mới “đang cân nhắc việc thành lập quỹ mới, nhằm cho phép nhà chức trách có thể hỗ trợ thêm tiền gửi đối với những ngân hàng gặp khó khăn” (theo Bloomberg).
Phao cứu sinh nào cho các start-up?
Trong diễn biến mới nhất, theo hãng tin Reuters, từ bên kia Đại Tây Dương, Chính phủ Anh đang gấp rút chuẩn bị những biện pháp can thiệp mạnh mẽ, nhằm hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp công nghệ, nhằm tìm cách ngăn chặn thiệt hại do sự sụp đổ của SVB.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt: “Đã xuất hiện những rủi ro nghiêm trọng”. |
Như Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết ngày 12/3: Đã xuất hiện những “rủi ro nghiêm trọng” đối với các công ty công nghệ và khoa học đời sống có liên quan tới chi nhánh tại Anh của ngân hàng SVB (SVB Anh). Việc bắt buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên, nếu không thể trả lương và hóa đơn cho họ trong tuần này, sẽ là viễn cảnh rất gần đầy đau thương đã được lãnh đạo của những doanh nghiệp đó tiên lượng.
Tình hình căng thẳng đến độ ngay trong ngày 10/3, chỉ vài giờ sau khi SVB Mỹ gục ngã, Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) đã phải nhanh chóng tuyên bố: Ngân hàng SVB Anh bị đưa vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Ngay sau đó, Chính phủ Anh đã phải làm việc cả cuối tuần, để cố gắng xử lý trường hợp của SVB Anh, đồng thời đưa ra kế hoạch dự phòng nhằm hỗ trợ các công ty có tiền gửi bị “mắc kẹt” trong các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro cao.
Theo số liệu chính thức, SVB Anh có khoảng 3.300 khách hàng ở Anh, bao gồm các công ty mới thành lập, các công ty và quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhiều công ty khởi nghiệp ở Anh đã hợp tác với SVB vì SVB cung cấp khoản nợ cho các công ty ở giai đoạn đầu mà những người cho vay truyền thống sẽ không cho vay. Do đó, hàng trăm giám đốc điều hành và nhà đầu tư công nghệ có trụ sở tại Anh đã kêu gọi Chính phủ can thiệp, cảnh báo rằng nhiều công ty hiện đã và đang phải đối mặt với “mối đe dọa hiện hữu”.
Nói như ông Dom Hallas, Giám đốc điều hành của Coadec, một nhóm đại diện cho các công ty công nghệ có trụ sở tại Anh: “Đây là thời điểm khủng hoảng đích thực đối với các công ty khởi nghiệp ở Anh”. Có lẽ bởi vậy, ít nhất 30 quỹ đầu tư mạo hiểm tại Anh đã cam kết hỗ trợ SVB Anh nếu được giải cứu, bao gồm Accel, Sequoia Capital, Index Ventures, Atomico, LocalGlobe và General Catalyst.
Còn tại Mỹ, theo Reuters, để tránh xảy ra kịch bản tồi tệ nhất, trong khi chờ đợi “phao cứu sinh” từ các công cụ pháp lý và tài chính từ chính phủ liên bang, không ít nhà lãnh đạo trong giới công nghệ đã “làm tất cả những gì có thể” để duy trì sự tồn tại cho đông đảo các doanh nghiệp, đặc biệt là các start-up nhỏ. Thí dụ, Henrique Dubugras, đồng Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính Brex, dành cả cuối tuần làm việc qua điện thoại, sau khi công ty của ông công bố hạn mức tín dụng khẩn cấp ngày 10/3 dành cho các start-up khó khăn.
Họ không chấp nhận để cả “Thung lũng Silicon” bị tàn phá theo SVB, và bên cạnh đó, còn có cả những ý nguyện như: "Tôi nhớ những nhà đầu tư đã giúp đỡ tôi khi tôi điều hành một công ty khởi nghiệp, khi tôi thực sự cần điều đó. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng đền đáp" – ông Sam Altman, CEO của OpenAI (một trong những công ty hàng đầu tại Thung lũng Silicon).
Bối cảnh khó khăn này, nhìn rộng ra, không phải chỉ là vấn đề riêng của nước Mỹ hay nước Anh. Trên thực tế, đây sẽ là viễn cảnh u tối có khả năng xảy ra ở bất cứ cấu trúc kinh tế - xã hội nào. Do đó, nó chính là một bài học kinh nghiệm, một sự tham chiếu đắt giá dành cho mọi hệ thống tài chính – ngân hàng trên thế giới.
Và không chỉ vậy. Có lẽ ai cũng hình dung được, tiến trình phát triển khoa học công nghệ - của cả nhân loại hay chỉ trên bình diện quốc gia đơn lẻ - cũng sẽ đánh mất gia tốc ra sao, nếu bất trắc xảy đến với những kênh đầu tư lớn như SVB.
(ANTG)
https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/silicon-valley-bank-hoi-chuong-canh-bao-i686801/