- Tờ Politico hôm qua (29/3) dẫn các nguồn tin cho biết, Mỹ đã phản đối lời kêu gọi của một số quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) về việc hạ giá trần đối với dầu thô của Nga nhằm giảm thiểu doanh thu của Moscow.
Theo nguồn tin mà tờ Politico trích dẫn, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đã thúc giục xem xét lại mức giá trần- một động thái đã được lên kế hoạch vào tháng Ba. EU đã đồng ý xem xét lại giá trần hai tháng một lần kể từ giữa tháng 1, với mục đích giữ ngưỡng ít nhất 5% dưới giá thị trường trung bình.
“Mỹ không muốn làm điều đó. Estonia, Ba Lan và Litva đang đẩy mọi việc đi quá xa, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ không muốn làm điều đó. Điều này sẽ không xảy ra,” một nhà ngoại giao EU đã nói với hãng tin Politico trước thềm cuộc họp của các Đại sứ Châu Âu trong ngày hôm qua. Tại cuộc họp này, các quan chức EU đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt và áp đặt giới hạn giá dầu đối với Nga.
Theo tin từ các phương tiện truyền thông, Ba Lan và Lithuania đã đề xuất hạ giới hạn giá trần từ mức 60 USD xuống 51,45 USD/thùng. Tuy nhiên, việc thay đổi con số này sẽ cần có sự nhất trí giữa các quốc gia G7 và EU.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ bất lợi cho Mỹ vì cơ chế này cũng ảnh hưởng đến giá cả đối với các nhà sản xuất năng lượng của Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực vào tháng 12 năm ngoái. Các hạn chế cấm các tàu chở dầu treo cờ của bất kỳ quốc gia thành viên EU nào chở dầu thô có nguồn gốc từ Nga, trừ khi nó được bán cho người mua với giá thỏa thuận là 60 USD/thùng.
Một lệnh cấm vận tương tự, kèm theo giá trần, đã được áp dụng đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga vào tháng Hai vừa rồi. Đáp lại, Moscow đã cấm bán dầu thô và các sản phẩm dầu của mình cho các quốc gia ủng hộ kế hoạch này.
Nga cũng công bố kế hoạch tự nguyện giảm 500.000 thùng dầu mỗi ngày trong tháng 3, do nước này ngừng bán cho những người mua tuân thủ giá trần do phương Tây áp đặt.
Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô của Nga sẽ tiếp tục thắt chặt nguồn cung toàn cầu.