Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,3% năm 2023

0
0

Theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3% vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ sẽ ở mức vừa phải khi các tác động cơ bản thấp từ hậu COVID-19 giảm dần.

Ngân hàng Thế giới cho biết, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với mức tăng trưởng đạt 8,0%, vượt mức trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016-2019. Sự tăng trưởng này một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, được thúc đẩy bởi phục hồi của tiêu dùng cá nhân trong nước sau đại dịch COVID-19 và hoạt động mạnh mẽ trong sản xuất định hướng xuất khẩu. 

Tuy nhiên, đóng góp của khu vực công vào tăng trưởng còn hạn chế do việc triển khai các chương trình đầu tư công còn yếu kém. Trong khi việc làm phục hồi về mức trước COVID-19 vào năm 2022, nhu cầu toàn cầu yếu hơn đã dẫn đến tình trạng các đơn đặt hàng và xuất khẩu chậm lại trong Quý 4-2022, đồng thời gây ra áp lực mới lên thị trường lao động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình là 3,1%. Lĩnh vực tài chính của Việt Nam chịu nhiều áp lực hơn trong năm 2022, trong khi cán cân tài khóa ước tính thặng dư.

Phản ánh những trở ngại trong nước và bên ngoài, Ngân hàng Thế giới cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3% vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ sẽ ở mức vừa phải khi các tác động cơ bản thấp từ hậu COVID-19 giảm dần. Động lực tăng trưởng chính sẽ là nhu cầu trong nước, có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát ước tính cao hơn (trung bình 4,5%) vào năm 2023. 

Với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nền kinh tế dự kiến sẽ được hưởng lợi việc thực hiện một phần của Chương trình hỗ trợ kinh tế 2022-2023. Một chính sách tiền tệ linh hoạt—phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu của chính sách tài khóa—sẽ giúp kiểm soát lạm phát trong nước.

 

“Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác. Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế, và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả”, Ngân hàng Thế giới nhận định.

Theo Ngân hàng Thế giới, ngành dịch vụ đã trở thành ngành lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam, tăng từ 40,7% GDP năm 2010 lên 44,6% GDP năm 2019. Tỷ trọng việc làm của ngành đã tăng từ 29,6% năm 2010 lên 35,3% năm 2019. Là nguồn việc làm lớn nhất, ngành này đã hấp thụ một phần đáng kể lao động từ ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, năng suất lao động và hiệu quả việc làm của ngành dịch vụ Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước khác. Mặc dù đã tăng 34,3% trong giai đoạn 2011-2019, năng suất lao động ngành dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) vẫn thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Đơn cử, năng suất lao động ngành dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) là 5.000 USD (USD không đổi) trên mỗi lao động vào năm 2019, vẫn thấp hơn nhiều so với các nước so sánh, bao gồm Malaysia (20.900 USD), Philippines (9.300 USD), và Indonesia (7.300 USD).

Trong tương lai, nếu được tận dụng hợp lý, các ngành dịch vụ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng năng suất bền vững của Việt Nam và đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Tất cả các nền kinh tế có thu nhập cao đều có khu vực dịch vụ lớn mang lại nguồn việc làm và giá trị gia tăng lớn nhất. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, hạn chế đối với thương mại dịch vụ, khả năng ứng dụng công nghệ thấp và ít liên kết liên ngành ảnh hưởng đến năng suất của ngành dịch vụ.

Ngân hàng Thế giới cho rằng, cần có những cải cách chính sách để khai phá tiềm năng của khu vực dịch vụ nhằm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Các hành động ưu tiên và các câu hỏi cần nghiên cứu thêm bao gồm: Xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này và triển khai cải cách, để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước; Tập trung vào các dịch vụ có thể thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là lĩnh vực chế tạo chế biến…

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

(VnMedia) - Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Triệt phá nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc chiếm đoạt tài khoản, dữ liệu người dùng

(VnMedia) - Các lực lượng phối hợp đã tổ chức đấu tranh chuyên án, triệt phá nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc chiếm đoạt tài khoản, dữ liệu người dùng trên mạng xã hội, bắt giữ 22 đối tượng, thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan...

Nắng nóng bao trùm khắp 3 miền

(VnMedia) - Ngày hôm nay (26/4), ở hầu hết các khu vực thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đều có nắng nóng. Tại Hà Nội, nhiệt độ cao nhất hôm nay có thể trên 36 độ C…

Giá vàng bật tăng cao sau 3 phiên giảm liên tiếp

(VnMedia) - Chốt phiên làm việc rạng sáng nay (26/4), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã bất ngờ đảo chiều đi lên sau 3 phiên giảm sâu trước đó. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn đang duy trì ở mức trên 75 triệu đồng/lượng khi khép lại phiên làm việc cuối ngày hôm qua (25/4).

Mượn danh quyên góp tiền từ thiện trên mạng xã hội để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

(VnMedia) - Đối tượng Lê Đình Hải lập hàng loạt tài khoản Facebook rồi mạo danh Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Tường Phúc (sinh sống tại Huế) và sử dụng hình ảnh của các nạn nhân điều trị ở các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kêu gọi quyên góp nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản...