- Theo tính toán của Bloomberg, quyết định giải cứu ngân hàng đầu tư đang phá sản Credit Suisse của Thụy Sĩ có thể là gánh nặng lớn đối với những người đóng thuế của quốc gia này.
Chính phủ Thụy Sĩ đã cam kết sẽ bù đắp khoản lỗ 9 tỷ franc Thụy Sĩ (9,7 tỷ USD) của ngân hàng và cung cấp khoản hỗ trợ thanh khoản công 100 tỷ franc (108 tỷ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB). Điều này có nghĩa là mỗi cư dân trong số 8,7 triệu dân của Thụy Sĩ sẽ trả 12.500 franc (13.500 USD) cho việc giải cứu ngân hàng, Bloomberg lưu ý.
Thỏa thuận cũng đề cập đến một khoản bảo lãnh riêng trị giá 100 tỷ franc từ ngân hàng trung ương Thụy Sĩ không được chính phủ hỗ trợ. Cộng thêm khoản vay 50 tỷ franc từ SNB mà ngân hàng đã bảo đảm được vào tuần trước, tổng số tiền giải cứu sẽ lên tới 259 tỷ franc (280 tỷ USD), tương đương với khoảng 1/3 tổng sản lượng kinh tế của Thụy Sĩ vào năm 2022.
Số tiền này sẽ biến thỏa thuận nói trên trở thành cuộc giải cứu doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Thụy Sĩ, vượt xa khoản cứu trợ trị giá 60 tỷ franc của UBS vào năm 2008.
“Chính phủ sẽ phải nói với cử tri tại sao họ lại đặt tiền của người dân, tiền của người đóng thuế vào việc bảo lãnh cho một ngân hàng chủ yếu phục vụ những người cực kỳ giàu có, làm một số điều bất thường với ngân hàng đầu tư của mình và trả cho mọi người những khoản tiền điên rồ so với số tiền mà những người đàn ông sống trên phố được trả,” một cựu CEO ngân hàng toàn cầu giấu tên đã nói với Reuters như vậy.
Thỏa thuận sáp nhập đã khiến người dân Thụy Sĩ tức giận, với khoảng 200 người phản đối bên ngoài trụ sở của Credit Suisse, tại Zurich hôm thứ Hai.
Các nhà phân tích nói rằng chi phí cuối cùng của cuộc giải cứu có thể không nhất thiết phải cao như thỏa thuận đưa ra, trong khi việc chính phủ không hành động có thể khiến Thụy Sĩ mất đi danh tiếng là một trung tâm tài chính toàn cầu.