- Theo ước tính mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), trong năm qua, Liên minh châu Âu là khách hàng mua nhiên liệu hóa thạch hàng đầu của Nga, cụ thể là than, dầu và khí đốt.
Thực tế trên diễn ra bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than và dầu thô bằng đường biển của Nga đồng thời áp đặt giá trần đối với dầu mỏ và các sản phẩm xăng dầu từ Nga.
Kể từ khi bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Nga đã kiếm được hơn 315 tỷ USD từ việc bán nhiên liệu hóa thạch trên thị trường quốc tế, với 149 tỷ đô la, chiếm khoảng một nửa tổng số nói trên, là đến từ các quốc gia thành viên EU.
Tuy nhiên, trong hai tháng tính đến ngày 4/3, Trung Quốc đã vượt qua EU để trở thành khác hàng mua hàng hóa năng lượng lớn nhất của Nga. Quốc gia châu Á này chủ yếu nhập khẩu dầu thô, chiếm hơn 80% lượng mua năng lượng trị giá hơn 55 tỷ USD của nước này.
Đầu tháng này, các nhà phân tích của CREA đã báo cáo rằng trong tuần tính đến ngày 26 tháng 2, năm quốc gia nhập khẩu năng lượng hàng đầu của Nga trong EU là Áo, Slovakia, Tây Ban Nha, Ba Lan và Cộng hòa Séc. Đức là nước nhập khẩu năng lượng hàng đầu của Nga trong năm qua.