Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan lo ngại bất động sản thương mại có thể là ngành tiếp theo sẽ sụt giảm nếu các vấn đề trong ngành ngân hàng toàn cầu gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng.
Trụ sở ngân hàng JPMorgan Chase ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan cho biết các ngân hàng châu Âu đối mặt với ít mối đe dọa từ một số vấn đề đang xuất hiện trên thị trường bất động sản thương mại hơn so với các đối tác Mỹ.
Các nhà kinh tế lo ngại bất động sản thương mại có thể là ngành tiếp theo sẽ sụt giảm nếu các vấn đề trong ngành ngân hàng toàn cầu gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng lan truyền đối với lĩnh vực có trị giá hàng nghìn tỷ USD, vốn đang chịu áp lực.
Xu hướng làm việc từ xa trong giai đoạn dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhu cầu về không gian văn phòng và mặc dù lãi suất toàn cầu tăng cao khiến việc vay vốn của các công ty vượt dự trù. Tuy vậy, cấu trúc thị trường châu Âu đang mang đến một số thuận lợi.
Các nhà phân tích của JPMorgan tin rằng bất kỳ sự lây lan nào từ các ngân hàng hay bất động sản thương mại Mỹ (CRE) sang các “đồng nghiệp” châu Âu là không hợp lý, do lực đẩy của các ngành khác nhau.
Trong khi thị trường Mỹ bị ảnh hưởng vì tỷ lệ văn phòng trống cao và mức tăng cho thuê không đáng kể, thì châu Âu có ít tài sản để trống hơn rất nhiều và được hưởng lợi từ nhiều hợp đồng cho thuê liên quan đến lạm phát.
Trong tuần này, các nhà phân tích tại Capital Economist ước tính giá bất động sản thương mại của Mỹ sẽ giảm thêm 18-20%, sau khi đã giảm 4-5% so với mức đỉnh vào giữa năm 2022.
Các khoản vay cho bất động sản thương mại chiếm khoảng 40% tổng số khoản vay của các ngân hàng nhỏ hơn của Mỹ. Những ngân hàng này được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xác định là những ngân hàng nằm ngoài 25 ngân hàng lớn nhất tính theo quy mô tài sản. Những ngân hàng đó chiếm khoảng 70% dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản thương mại.
JPMorgan cho biết một phần quan trọng trong quan điểm tích cực hơn của ngân hàng này đối với CRE châu Âu là việc các ngân hàng châu Âu sẵn sàng tiếp tục cung cấp tài chính cho lĩnh vực này khi thị trường cấp vốn bán buôn bắt đầu chững lại.
Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan nêu ý kiến cho rằng thanh khoản là mấu chốt của vấn đề, đặc biệt là trong bối cảnh loại tài sản kém thanh khoản như CRE./.
(theo TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/cac-ngan-hang-chau-au-trong-trang-thai-tot-hon-cac-ngan-hang-my/854011.vnp