- Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức vào năm 2022 trong năm thứ bảy liên tiếp, các số liệu được công bố ngày hôm qua (16/2) đã cho thấy như vậy. Con số này được công bố trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách lo lắng về sự phụ thuộc quá mức về kinh tế của Đức vào Bắc Kinh.
Theo cơ quan thống kê liên bang Destatis, hàng hóa trị giá 297,9 tỷ euro (318,9 tỷ USD) đã được trao đổi giữa hai nước vào năm ngoái, tăng 20%, bất chấp tác động liên tục của đại dịch coronavirus.
Thâm hụt thương mại của Đức với Trung Quốc - chênh lệch giữa giá trị nhập khẩu lớn hơn và xuất khẩu nhỏ hơn - đạt 84,3 tỷ euro, con số lớn nhất kể từ khi hồ sơ của cơ quan thống kê bắt đầu được ghi chép lại vào năm 1950.
Nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng lên 191,1 tỷ euro vào năm 2022, tăng 33% so với năm trước.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu phần lớn bị đình trệ, chỉ tăng 3% vào năm 2022, ở con số 106,8 tỷ euro.
Con số ít ỏi nói trên khiến Trung Quốc trượt hai bậc xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng các điểm đến xuất khẩu hàng hóa của Đức.
Những lo ngại đang gia tăng ở Đức về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Bắc Kinh về mối quan hệ với Nga và các vấn đề nhân quyền.
Tổ chức tư vấn kinh tế IfW Kiel của Đức cho biết trong một báo cáo được công bố hôm thứ Tư (15/2) rằng, “Đức rất cần một chiến lược đa dạng hóa hơn nữa” để tách dần khỏi Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu và hàng hóa quan trọng, đặc biệt là thiết bị điện tử.
Mỹ - đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Đức nói chung, là điểm đến số một của các mặt hàng "made in Germany", thu hút lượng nhập khẩu trị giá 156 tỷ euro.
Nhìn chung, thặng dư thương mại của Đức ở mức thấp nhất kể từ năm 2000 vào năm 2022. Chỉ số quan trọng đối với cường quốc xuất khẩu truyền thống đã giảm xuống 79,7 tỷ euro mỗi năm do chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao, theo Destatis.