Chi phí năng lượng mà các hộ gia đình trên toàn thế giới chi trả đã tăng gần gấp đôi kể từ khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục ở nhiều quốc gia châu Âu.
Van điều chỉnh trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt OGE ở Werne, miền Tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Các nhà phân tích cho rằng cú sốc giá năng lượng tăng mạnh từng gây ra những làn sóng lan rộng khắp châu Âu sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine khó có thể chấm dứt hoàn toàn.
Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được công bố trong tuần này lưu ý rằng chi phí năng lượng mà các hộ gia đình trên toàn thế giới chi trả đã tăng gần gấp đôi kể từ khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục ở nhiều quốc gia châu Âu.
Nhưng các tác động không dừng lại ở đó. Báo cáo của WEF cho biết cuộc khủng hoảng này đang làm chậm quá trình chuyển đổi của thế giới công nghiệp hóa sang các nguồn năng lượng tái tạo và làm tăng tỷ lệ nghèo đói toàn cầu bởi tình trạng mất an ninh năng lượng khiến lạm phát tăng mạnh.
Trong khi đó, những tháng gần đây, các nước châu Âu đã đẩy mạnh mua vào khí đốt tự nhiên và dầu mỏ từ nhiều nước để thay thế nguồn nhập khẩu năng lượng từ Nga trước khi xảy ra khủng hoảng. Điều đó đặc biệt chính xác đối với Đức và Italy, hai nhà xuất khẩu lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) và cũng là hai nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga trước khi xảy ra khủng hoảng Ukraine./.
(theo TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/cuoc-khung-hoang-nang-luong-tai-chau-au-co-kha-nang-keo-dai/847877.vnp