- Việc Trung Quốc bất ngờ mở cửa trở lại một cách nhanh chóng sau nhiều năm hạn chế vì đại dịch COVID đã gây sốc cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và chuyên gia y tế. Quốc gia này có khả năng phải gánh chịu hàng triệu ca nhiễm và hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày. Một quan chức ước tính rằng 90% cư dân trong một tỉnh đã nhiễm COVID.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc có thể nhanh chóng vượt qua làn sóng COVID và bắt đầu tăng trưởng kinh tế trở lại sau nhiều năm áp dụng các biện pháp kiểm soát đại dịch như phong tỏa nhanh và cách ly kéo dài đã kéo GDP của nước này đi xuống. Các ngân hàng cũng chỉ ra những tuyên bố từ các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc rằng chính phủ sẽ tập trung vào việc hỗ trợ nền kinh tế và giảm mức độ đàn áp các công ty công nghệ tư nhân nhằm củng cố cho những dự đoán lạc quan hơn của họ về nền kinh tế Trung Quốc.
Các ngân hàng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc
Trong một ghi chú nghiên cứu được công bố mới đây, các nhà kinh tế tại Morgan Stanley đã nâng dự báo GDP của Trung Quốc năm 2023 lên 5,7%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley đã nhận định như sau: “Nỗi đau ngắn hạn của việc mở cửa nhanh chóng trở lại có thể sẽ được bù đắp bằng sự phục hồi sớm hơn và mạnh mẽ hơn”. “Thị trường đang đánh giá thấp tác động sâu rộng của việc mở cửa trở lại,” các nhà kinh tế cho biết thêm.
Các tổ chức tài chính khác cũng đã nâng cấp dự báo GDP của họ kể từ khi Trung Quốc từ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch khắc nghiệt.
Goldman Sachs đã tăng dự báo GDP năm 2023 của Trung Quốc lên 5,2% vào giữa tháng 12 sau khi Bắc Kinh đảo chiều chính sách COVID một cách đầy bất ngờ. Ngân hàng đầu tư Mỹ đã không tăng dự báo kể từ đó nhưng trong một lưu ý nghiên cứu được công bố hồi đầu tuần, ngân hàng này cho biết họ sẵn sàng đưa ra dự báo lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Các nhà kinh tế của BlackRock dự báo mức tăng trưởng GDP 6% ở Trung Quốc vào năm 2023 trong một báo cáo nghiên cứu được công bố hôm 9/1 và điều này giúp “làm giảm tốc độ suy thoái toàn cầu”. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của công ty quản lý tài sản này cảnh báo rằng sự phục hồi tăng trưởng sẽ chỉ là thoáng qua, nói rằng họ “không mong đợi mức độ hoạt động kinh tế ở Trung Quốc quay trở lại xu hướng trước COVID, ngay cả khi hoạt động trong nước khởi động lại.”
Các tổ chức cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc
Các tổ chức kinh tế quốc tế lại tỏ ra ít lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc hơn các ngân hàng đầu tư. Vào tháng 12, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết họ dự kiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt 4,3% vào năm 2023, cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP trước đó là 4,5% cho nước này. Ngân hàng Thế giới cho biết dự đoán của họ "chịu rủi ro lớn" vì lý do có thể có "khả năng hạn chế đi lại mới" và "căng thẳng dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản."
Vào tháng 11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng GDP 4,4% vào năm 2023. Tuần trước, Giám đốc điều hành IMF Kristina Georgieova cảnh báo rằng đợt bùng phát COVID của Trung Quốc có thể kéo nền kinh tế thế giới đi xuống. Bà nói: “Tác động đối với tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là tiêu cực, tác động đến khu vực sẽ là tiêu cực, tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu sẽ là tiêu cực”.
Có một sự đồng thuận trong dự đoán của các nhà kinh tế của Bloomberg rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay.
Bắc Kinh sẽ công bố mục tiêu GDP cho năm 2023 vào tháng 3. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% cho năm 2022, mặc dù tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình ước tính rằng nền kinh tế Trung Quốc chỉ có thể tăng trưởng 4,4%.