- Thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN, hệ thống kho bạc nhà nước đã phát hiện 908.614 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 451 tỷ đồng.
Thông tin về kết quả hoạt động trọng tâm của Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong năm 2022, ông Lê Văn Khoa Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - KBNN cho biết, tính đến hết ngày 20/12/2022, lũy kế thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong cân đối đạt 1.727.511 tỷ đồng, bằng 122,37% so với dự toán năm 2022 được giao, trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 121,48% so với dự toán;
Thu ngân sách địa phương đạt 123,35% so với dự toán. Đồng thời, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi đạt 895.195 tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng. Đối với dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua KBNN đã bao gồm cải cách tiền lương và tinh giảm biên chế và dự toán từ năm trước chuyển sang là 1.112.194 tỷ đồng).
Thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN, hệ thống KBNN đã phát hiện 908.614 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 4.207 món, tương đương với 451 tỷ đồng.
kiểm toán |
Tính đến ngày 20/12/2022, lũy kế vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát, thanh toán qua KBNN là 403.160,6 tỷ đồng, bằng 67,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn (KHV) kéo dài và kế hoạch năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 593.708 tỷ đồng), bằng 60,9% tổng nguồn vốn thuộc KHV kéo dài và KHV 2022 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 661.477,8 tỷ đồng).
Thông qua công tác kiểm soát chi đầu tư, hệ thống KBNN đã phát hiện 90.932 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 934 món, tương đương với 60,1 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ Lưu Hoàng cho biết, trong năm 2022, công tác điều hành ngân quỹ nhà nước đạt hiệu quả tốt, tính đến ngày 20/12/2022, KBNN đã tạm nộp vào Ngân sách Trung ương 1.200 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ. Dự kiến năm 2022, tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ nguồn thu nghiệp vụ của KBNN lên tới gần 15.700 tỷ đồng.
Trong năm 2022, KBNN đã phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) với khối lượng đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi và trả nợ gốc đến hạn của NSTW, phù hợp với khả năng thu của Ngân sách Trung ương và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, duy trì hoạt động của thị trường TPCP; tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên nhằm tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ TPCP, góp phần bảo đảm an toàn, bền vững nợ công theo chủ trương của Đảng và Quốc hội; điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp với nguyên tắc thị trường và định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của Chính phủ.
Tính đến hết ngày 20/12/2022, KBNN đã huy động được 203.222 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân 12,67 năm; Lãi suất phát hành TPCP bình quân 3,41%/năm và kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP 9,09 năm. Hoạt động thị trường TPCP được duy trì thường xuyên, đảm bảo khả năng huy động vốn của ngân sách trung ương và làm tham chiếu cho thị trường vốn.
Liên quan đến các khoản chi đầu tư công bị từ chối đến 934 món, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi Trần Mạnh Hà cho biết, hệ thống KBNN luôn xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục và được triển khai quyết liệt và đồng bộ cả trong hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ góp phần quan trọng vào hoạt động CCHC của ngành Tài chính.
Trong năm 2022, hệ thống KBNN tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; Tiếp tục duy trì cung cấp 100% thủ tục qua Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4; 100% các đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT (khoảng 97.000 đơn vị); hoạt động giao dịch với KBNN 24/7, số lượng chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng đạt trên 99%, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000 giao dịch.
Việc áp dụng Hệ thống DVCTT đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn. Hệ thống DVCTT cũng thể hiện rõ nét hiệu quả của mình nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đối với KBNN, thực hiện DVCTT góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi NSNN, bảo đảm minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát và thời hạn kiểm soát. Đây là bước đi đầu tiên để thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử trong thời gian tới.
“Việc kiểm soát chi đầu tư đã được giảm thời gian từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, tạo thuận lợi tối đa cho các đơn vị trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, quy trình kiểm soát chi vẫn phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm soát chi, chúng tôi thấy một số chứng từ không hợp lệ nên đã yêu cầu các đơn vị bổ sung đúng giấy tờ phù hợp với quyết định, hợp đồng đầu tư. Ví dụ, trong quyết định đầu tư của đơn vị có mục vốn xây lắp đầu tư nhưng đơn vị lại lấy chứng từ giải phóng mặt bằng để làm hồ sơ thanh toán… sẽ phải hoàn thiện lại hồ sơ” - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi Trần Mạnh Hà giải thích.