- Các Bộ trưởng Năng lượng của Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua (19/12) đã vượt qua nhiều tháng mâu thuẫn, tranh cãi để thống nhất một mức giá trần khí đốt tự nhiên trong khối. Động thái này khiến Nga tức giận, miêu tả đó là điều "không thể chấp nhận" và đe dọa sẽ trả đũa.
Giá trần được cố định ở mức 180 euro/megawatt giờ, nhưng kèm theo các điều kiện và lời cảnh báo từ Ủy ban châu Âu rằng họ có thể đình chỉ biện pháp này nếu "rủi ro lớn hơn lợi ích".
Mục đích của việc áp đặt giá trần khí đốt được giao dịch trong Liên minh châu Âu là để giảm thiểu tình trạng khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra. Các nước EU lo ngại họ sẽ khó đổ đầy các bể chứa khí đốt kịp thời cho mùa đông tới.
Trước khi cuộc chiến tranh ở Ukraine nổ ra, Nga là nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu cho EU và nước này đã ngừng cung cấp khí đốt qua nhiều đường ống khí đốt cho Châu Âu nhằm đáp trả một loạt biện pháp trừng phạt hà khắc mà EU tung ra với mục đích làm cạn kiệt nguồn doanh thu mà Nga có được để sử dụng cho chiến tranh.
Điện Kremlin trước đó đã tuyên bố sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp dụng lệnh cấm vận dầu thô và thực hiện áp giá trần đối với dầu của Nga. Ngày hôm qua, Moscow đã lên án gay gắt việc EU áp giá trần khí đốt.
"Đây là hành vi vi phạm việc thị trường định giá, vi phạm quy trình thị trường, bất kỳ tham chiếu nào đến giá trần đều không thể chấp nhận được", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã tuyên bố như vậy trên các hãng thông tấn nhà nước Nga.
Nga sẽ “cần thời gian để đánh giá một cách cẩn thận những cái lợi và hại của việc áp giá trần đồng thời sẽ đưa ra những đòn đáp trả”, ông Peskov cho biết đồng thời nói thêm rằng một đòn đáp trả đối với giá trần dầu mỏ “đã bị trì hoãn” vì lý do tương tự.
Vấn đề gây chia rẽ
Giá trần khí đốt của EU sẽ được áp dụng từ ngày 15/2 và kéo dài trong một năm. Giá trần này sẽ được kích hoạt nếu giá tiêu chuẩn châu Âu đối với khí đốt tự nhiên tương lai vượt quá 180 euro/megawatt giờ trong ba ngày liên tiếp.
Mức giá trần sau đó sẽ được áp dụng cho các giao dịch trong ít nhất 20 ngày làm việc tiếp theo. Để mức giá trần này bị vô hiệu hóa, phải có ba ngày liên tiếp giao dịch dưới mức trần 180 euro.
Cơ chế này nhằm đối phó với giá khí đốt tăng cao ở châu Âu như hồi tháng 8. Khi đó, trong thời gian ngắn, giá khí đốt đã tăng vọt lên gần 340 euro/megawatt giờ, khiến các chính phủ EU lo lắng.
Kể từ đó, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao trong lịch sử và được giao dịch ở mức dưới 112 euro/megawatt giờ vào ngày hôm qua (19/12).
Giá trần khí đốt đã gây chia rẽ trong các nước thành viên EU.
Nhiều người cho rằng cần phải khẩn trương đưa giá trần vào để giảm chi phí năng lượng. Tuy nhiên, những người khác - dẫn đầu là cường quốc kinh tế Đức - lo ngại việc áp đặt giá trần có thể kích động các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ chối châu Âu để ưu tiên các thị trường châu Á béo bở hơn.
Ủy ban châu Âu cũng cảnh giác với hậu quả của việc áp giá trần và ban đầu họ đề xuất mức trần là 275 euro và khoảng thời gian là hai tuần khi mức giá vượt trên giá trần thì quy định này mới được kích hoạt. Nhưng đề xuất đó đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các quốc gia, chẳng hạn như Tây Ban Nha và Hy Lạp, những quốc gia đã đưa ra các biện pháp năng lượng được ủng hộ rộng rãi khác - bao gồm mua khí đốt chung và cấp phép nhanh chóng cho các nguồn năng lượng tái tạo - phụ thuộc vào mức trần giá khả thi.