- Ông Mamdouh Salameh - một nhà kinh tế dầu mỏ nổi tiếng đồng thời là nhà tư vấn năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB), đã nói với hãng tin Oilprice trong tuần này rằng các nước phương Tây đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng giá dầu toàn cầu bằng việc hạn chế xuất khẩu dầu thô của Nga.
Theo ông Salameh, không một quốc gia sản xuất dầu lớn nào đồng ý bán dầu thô của họ với giá thấp hơn nhiều so với mức giá trung bình trên thị trường. Điều này sẽ khiến phương Tây mất đi nguồn cung dầu.
“Việc áp giá trần của phương Tây đối với dầu xuất khẩu của Nga đã thất bại và sẽ sớm bị cho vào thùng rác… Cả các nước OPEC+ và Nga sẽ không đồng ý bán dầu của họ với giá trần 60 USD/thùng khi giá trên thị trường là trên 85 USD …
Người bán có thể dễ dàng tìm được người mua dầu của họ nhưng các nước phương Tây thì không thể, và nếu không có dầu thì nền kinh tế của họ sẽ đi vào bế tắc. Họ sẽ là những người thua cuộc cuối cùng,” ông Salameh thẳng thừng cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế của WB, thay vì đạt được mục tiêu được cho là giảm giá dầu toàn cầu, cơ chế áp giá trần đã thúc đẩy việc tăng giá. Ông Salameh cho hay: “Bằng chứng là khi mức giá trần được đưa ra vào ngày 5/12, dầu thô Brent là 73 đô la một thùng nhưng kể từ đó, nó đã tăng lên 85,43 đô la vào ngày hôm nay, tức là tăng 17%”.
Ông Salameh cũng cho rằng nền kinh tế Nga khó có thể bị ảnh hưởng bởi mức giá trần mà phương Tây tung ra nhằm trừng phạt Nga.
“Nga sẽ không thua. Những nhà nhập khẩu dầu chính của Nga như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước châu Á… đã phớt lờ giá trần và đang tiếp tục mua dầu thô của Nga với khối lượng ngày càng tăng… Ngay cả khi Nga bán 6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày ở mức giá Brent hiện nay là 85,43 USD, thì họ vẫn nhận được nhiều hơn doanh thu hơn là bán 7 triệu thùng mỗi ngày với giá 73 USD. Do đó, ngân sách của Nga sẽ không mất một xu nào. Ngược lại… thặng dư ngân sách của Nga chỉ có thể tăng lên,” ông Salameh nói thêm.