- Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva hôm qua (3/10) cho biết suy thoái toàn cầu có thể tránh được nếu chính sách tài khóa của các chính phủ nhất quán với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng có khả năng sẽ có những quốc gia rơi vào suy thoái vào năm tới.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva |
Trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa không thể “ngồi yên” vì cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bộ phận trong xã hội, bà Kristalina Georgieva nói.
Giám đốc điều hành IMF Georgieva trong một cuộc trả lời phỏng vấn trong chuyến thăm đến Ả-rập Xê-út đã nói rằng: "Chúng tôi cần các ngân hàng trung ương hành động một cách quyết đoán. Tại sao, bởi vì lạm phát rất khó giải quyết…. Nó gây ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng và nó gây ảnh hưởng rất xấu đến người nghèo. Lạm phát là một loại thuế đánh vào người nghèo”.
Bà Georgieva nói thêm rằng, những chính sách tài khóa hỗ trợ mọi người một cách không phân biệt thông qua việc giảm giá năng lượng và cung cấp trợ cấp đang đi ngược lại các mục đích của chính sách tiền tệ.
"Vì vậy, bạn đang ở tình trạng một bên thì đặt chính sách tiền tệ vào chân phanh và một bên thì đặt chính sách tài khóa vào chân ga", Giám đốc IMF đã bình luận như vậy sau khi tham gia một hội nghị về an ninh lương thực ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út.
Các chính phủ trên toàn cầu đã vào cuộc để hỗ trợ người dân của họ trong bối cảnh lạm phát lương thực tăng cao và tình trạng thiếu hụt lương thực đang diễn ra bằng cách tuân theo các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tạo ra những làn sóng chấn động thông qua các thị trường tài chính và nền kinh tế.
Trước đó, hôm thứ Hai, một cơ quan của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của suy thoái kinh tế toàn cầu do chính sách tiền tệ gây ra đối với các nước đang phát triển. Cơ quan này kêu gọi một chiến lược mới, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, nỗ lực từ phía bên cung và quy định về đầu cơ hàng hóa.
Giám đốc điều hành IMF Georgieva kêu gọi Fed phải hết sức thận trọng trong các chính sách của mình và lưu ý đến tác động lan tỏa đối với phần còn lại của thế giới, đồng thời cho biết thêm trách nhiệm của Fed "là rất cao".
IMF nhận thấy thị trường lao động ở Mỹ vẫn còn khá chặt chẽ, nhu cầu vẫn còn khá lớn đối với hàng hóa và dịch vụ và Fed phải tiếp tục thắt chặt trong môi trường đó, bà Georgieva nói.
"Chúng ta có thể thấy ... tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và đó sẽ là thời điểm để Fed phải nói rằng chúng ta đã hoàn thành công việc của mình. Chúng ta có thể bớt lo lắng trong tương lai. Chúng ta vẫn chưa đến được thời điểm này."
Fed cho rằng, để kiểm soát lạm phát, nền kinh tế Mỹ cần tăng trưởng dưới tiềm năng trong một thời gian. Thị trường lao động cũng cần giảm xuống. Thông điệp này của IMF được thị trường hiểu rằng, tỷ lệ thất nghiệp cần tăng cao hơn.
IMF hồi cuối tuần vừa rồi đã thông qua một cơ chế cho vay lương thực mới gây sốc theo các công cụ tài trợ khẩn cấp hiện có để giúp các nước dễ bị tổn thương đối phó với tình trạng thiếu lương thực và chi phí tăng cao do lạm phát gia tăng vì ảnh hưởng gây ra từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Bà Georgieva cho biết, có khoảng 10 đến 20 quốc gia - hầu hết ở châu Phi – có thể sẽ yêu cầu được tiếp cận khoản vay lương thực và đủ điều kiện để nhận khoản tài trợ đó.
Giám đốc điều hành IMF nhấn mạnh, nhiệm vụ của IMF tại Malawi, nói rằng nước này có thể tham gia một thỏa thuận cho vay đầy đủ của IMF sau khi nhận được khoản tài trợ khẩn cấp.
IMF đang làm việc với Malawi, Ai Cập và Tunisia để giúp họ trong tình trạng khó khăn hiện nay. Theo bà Georgieva, IMF đang thảo luận thêm với Ai Cập và Tunisia vì cả hai chính phủ đều đang phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng kinh tế gây căng thẳng tài chính công.