- Bangladesh hôm 4/10 đã phải trải qua đợt mất điện tồi tệ nhất kể từ năm 2014 - đây là một dấu hiệu cho thấy nguồn cung cấp nhiên liệu bị gián đoạn và dự báo trước những gì các quốc gia khác có thể phải đối mặt trong những tháng sắp tới.
Khoảng 80% đất nước Bangladesh đã bị mất điện bắt đầu từ 2 giờ chiều theo giờ địa phương, ông Shameem Hasan – một quan chức ngành điện lực Bangladesh cho biết. Giao thông tắc nghẽn, các chủ cửa hàng cố gắng làm việc với ánh sáng từ đèn pin, và người dân đổ xô đến các trạm nhiên liệu để mua dầu diesel chạy máy phát điện.
“Sự cố mất điện hôm thứ Ba đã xảy ra sau khi một đường truyền bị quá tải,“ tạo ra hiệu ứng tầng trên các đường truyền khác. Chúng tôi ngay lập tức chuyển sang chế độ bảo vệ để ngăn nó trở thành một vấn đề lớn hơn”, ông Yeakub Elahi Chowdhury - Giám đốc điều hành của Power Grid Co. của Bangladesh cho tờ Bloomberg biết. Hiệu ứng tầng là một chuỗi các sự kiện không thể tránh khỏi và đôi khi không lường trước được do một hành động ảnh hưởng đến một hệ thống.
Phải mất bảy giờ điện mới được khôi phục hoàn toàn. Nhưng ngay cả khi có điện trở lại, tình trạng mất điện vẫn không hoàn toàn biến mất. Đây không phải là một điều bất thường.
Trong vài tháng qua, Bangladesh thường xuyên phải cắt điện để tiết kiệm điện trong bối cảnh giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao. Các biện pháp cực đoan đã được thực hiện bao gồm đóng cửa trường học thêm một ngày mỗi tuần và yêu cầu các văn phòng chính phủ cũng như ngân hàng rút ngắn ngày làm việc của họ.
Thậm chí ngay cả trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra, nguồn cung cấp khí đốt tới châu Á đã bị chuyển hướng sang châu Âu. Giờ đây, với cuộc chiến Nga-Ukraine đang khiến nguồn cung bị siết chặt, các quốc gia châu Âu giàu có hơn đang tìm cách giành giật bất kỳ nguồn năng lượng nào có được. Với việc mùa đông sắp đến và việc áp dụng lệnh trừng phạt giới hạn nhập khẩu nhiên liệu từ Nga sắp được áp dụng, người mua châu Âu sẽ tìm cách tích trữ nhiều khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) hơn nữa.
Không chỉ Bangladesh bị ảnh hưởng mà nhiều nước đang phát triển khác cũng như vậy. Ấn Độ cũng đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong 6 năm trong khi đang phải tìm kiếm các nguồn cung khác trên thị trường quốc tế. Sri Lanka và Bangladesh cũng đang gặp khó khăn với nguồn cung khí đốt khi tình trạng thiếu hụt khí đốt của EU đẩy giá khí đốt tăng cao.
Hơn một thập kỷ trước, Pakistan đã ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nước ngoài ở Ý và Qatar với mục tiêu là để bảo vệ họ khỏi các biến động về giá cả. Nhưng giờ đây, các công ty cung cấp nói trên lại tập trung phục vụ các thị trường châu Âu béo bở trong khi không cung cấp đủ nguồn cung cho Pakistan. Chính phủ Pakistan thậm chí đã đưa công ty năng lượng của Ý - Eni và công ty Gunvor của Thụy Sĩ ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại 40 tỷ USD. Tuy nhiên, Pakistan vẫn không nhận được đủ nguồn cung LNG vì các nhà sản xuất mải tập trung phục vụ các quốc gia châu Âu cũng như Trung Quốc và Nhật Bản - những quốc gia giàu có hơn, có khả năng trả giá cao hơn. Tất cả những điều này diễn ra trong khi hàng triệu công dân tiếp tục sống mà không có điện trong hơn 12 giờ mỗi ngày.
Rõ ràng, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đang lan rộng ra nhiều nước. Tuy nhiên, những nước bị ảnh hưởng mạnh nhất lại chính là những nước đang phát triển, nước nghèo.