- Trong 8 tháng đầu năm, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Quy mô hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 29,84 tỷ USD trong 8 tháng qua, với 46/53 nhóm hàng có trị giá tăng so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 đạt 31,06 tỷ USD, tăng 1,7%, tương ứng tăng 526 triệu USD so với tháng trước. Trong đó, ghi nhận tăng cao ở một số nhóm hàng như: dầu thô tăng 453 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 255 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 104 triệu USD so với tháng trước.
Trong 8 tháng đầu năm, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Quy mô hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 29,84 tỷ USD trong 8 tháng qua, với 46/53 nhóm hàng có trị giá tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,2 tỷ USD (tương ứng tăng 21,8%); xăng dầu các loại tăng 3,45 tỷ USD (tương ứng tăng 125%); than đá tăng hơn 2,72 tỷ USD (tương ứng tăng 98,2%); dầu thô tăng 1,62 tỷ USD (tương ứng tăng 49,5%); hóa chất tăng 1,61 tỷ USD (tương ứng tăng 32%). Tuy nhiên, nhập khẩu nhóm hàng hạt điều trong 8 tháng/2022 giảm mạnh, giảm 1,27 tỷ USD (tương ứng giảm 37,2%) so với 8 tháng năm 2021.
Cụ thể, ở nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng đạt 57,24 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng, nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Trung Quốc với hơn 16,66 tỷ USD, tăng 3,05 tỷ USD (tương ứng tăng 22,4%); từ Hàn Quốc với 16,56 tỷ USD, tăng 4,08 tỷ USD (tăng 32,7%); từ Đài Loan với 7,82 tỷ USD, tăng 1,8 tỷ USD (tăng 29,2%)…Trong khi đó, nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ lại giảm, với 2,47 tỷ USD, giảm 754 triệu USD (giảm 23,4%) so với 8 tháng/2021.
Ở nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng qua là 30,73 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 21,49 tỷ USD, tăng 5,6% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 9,24 tỷ USD, giảm 14,2%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 8 tháng/2022 với trị giá là 16,63 tỷ USD, giảm 0,6%; tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc với 4,39 tỷ USD, tăng 2,9%; Nhật Bản với 2,86 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy), trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 8/2022 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung trong 8 tháng, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này là 19,36 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này thì nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may da giày trong 8 tháng qua đã tăng 1,66 tỷ USD so với 8 tháng năm trước.
Trong 8 tháng, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới gần 52%, với 10 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng ở nhóm điện thoại các loại và linh kiện, nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 1,79 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước. Tính trong 8 tháng/2022, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 13,87 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 8 tháng/2022, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 12,72 tỷ USD, chiếm gần 92% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 7,25 tỷ USD, tăng 24,3%; nhập khẩu từ Trung Quốc là 5,48 tỷ USD, giảm 4,7%… so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, ở nhóm xăng dầu các loại, trong 8 tháng qua, lượng nhập khẩu của nhóm hàng này đã đạt gần 5,9 triệu tấn, tăng 17,7% so với 8 tháng/2021 và xấp xỉ với lượng nhập khẩu của 8 tháng/2020. Trong đó, nhập khẩu xăng dầu các loại tập trung chủ yếu từ Hàn Quốc với lượng nhập khẩu là 2,4 triệu tấn, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 40% lượng nhập khẩu xăng dầu các loại của cả nước.
Minh Ngọc