Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

0
0

 - Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 10/2022 của Ngân hàng Thế giới vừa công bố sáng nay (27/9) nhận định: Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở phía trước…

Cập nhật mới nhất của World Bank cho thấy, nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ sau đợt phong tỏa do COVID-19 vào Q3/2021, tăng 6.4 % trong nửa đầu năm 2022.

Sự phục hồi này chủ yếu dựa trên những khởi sắc của ngành xuất khẩu và giải phóng nhu cầu bị dồn nén sau khi các quy định về hạn chế di chuyển do COVID-19 được dỡ bỏ và gần đây là sự quay trở lại dần của khách du lịch nước ngoài.

Khu vực dịch vụ tăng 6,6% trong nửa đầu năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 8,6% trong Q2/2022. Khu vực sản xuất công nghiệp (không bao gồm ngành xây dựng) tăng 8,4% trong nửa đầu năm 2022, được thúc đẩy bởi nhu cầu ổn định từ nước ngoài.

Lạm phát nhích lên 3,1% (so với cùng kỳ năm ngoái) vào tháng 7 năm 2022, chủ yếu do chi phí vận tải cao hơn, tăng 15,2%, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực kiềm chế áp lực tăng giá xăng dầu thông qua việc cắt giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu.

 

"Dù nền kinh tế đang được phục hồi, khối doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn chịu tác động dai dẳng" - Báo cáo cho hay.

Một cuộc khảo sát về nhịp độ kinh doanh được Ngân hàng Thế giới thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022 cho thấy 92,6% các công ty chính thức đã hoạt động trở lại, nhưng có đến 56% báo cáo cho thấy doanh số bán hàng trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022 thấp hơn so với trước đại dịch.

Mặc dù tình hình thị trường lao động tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5% trong quý 2-2022 (thấp hơn tỷ lệ trước đại dịch là 71,3%).

Bên cạnh đó, gần 20% hộ gia đình cho biết thu nhập của họ trong 7 tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo nhận định, dù không gian tài khóa vẫn dồi dào, thặng dư ngân sách được ghi nhận ở mức 9,6 tỷ đô la Mỹ tính đến tháng 6 năm 2022 do công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa hiệu quả và nhờ thu thuế đạt mức cao.

Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế (chiếm 4,5% GDP), được thông qua vào tháng 1/2022, mở rộng thêm không gian cho các chương trình hỗ trợ tài chính bổ sung nhưng tiến độ triển khai còn chậm. Nợ của Việt Nam ở mức 39,9% so với GDP là bền vững và thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 60% do Quốc hội đề ra.

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2022, tăng trưởng 7,2%, phần lớn là do xuất phát từ thấp điểm sau khi thực hiện các biện pháp phong tỏa khiến cho kinh tế bị suy giảm vào năm ngoái, trước khi quay trở lại đà tăng trưởng trong trung hạn.

Các động lực tăng trưởng dự kiến sẽ xoay quanh nhu cầu từ cả trong và ngoài nước, từ ngành chế biến chế tạo cho đến ngành dịch vụ khi xuất khẩu sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc) ở mức trung bình. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023 do tác động của đợt biến động giá cả hàng hóa lần 2, trước khi giảm xuống 3,3% vào năm 2024.

Chi tiêu công dự kiến sẽ tăng nhanh trong nửa sau của năm 2022 và thâm hụt tài khóa của năm 2022 sẽ đạt 2,8% GDP, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thâm hụt được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,2% GDP nếu việc triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ của năm 2022-2023 được đẩy mạnh.

 Sau một thời gian bị đình trệ do cuộc khủng hoảng COVID-19, tốc độ giảm nghèo dự kiến sẽ tăng lên, với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,7% vào năm 2021 xuống còn 3,3% vào năm 2022, dựa trên chuẩn nghèo LMIC của Ngân hàng Thế giới (3,65 đô la Mỹ/ngày 2017 PPP).

Dù vậy, triển vọng kinh tế cho thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở phía trước. Các rủi ro từ bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng và suy giảm kinh tế sâu hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc), và sự gián đoạn tiếp diễn trong Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Về rủi ro trong nước, lạm phát cao hơn dự kiến, tình trạng thiếu lao động được ghi nhận trong các khu vực sản xuất và rủi ro tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng. Trong ngắn hạn, với bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phục hồi và lạm phát trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ thích ứng đang được triển khai vẫn phù hợp trong khi một lập trường tài khóa có tính hỗ trợ hơn sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ suy giảm đối với tăng trưởng. Điều này có nghĩa là cần sử dụng ngân sách và thực hiện chương trình hỗ trợ 2022-2023 hiệu quả hơn.

Tài chính hộ gia đình vẫn còn bấp bênh, đặc biệt là các hộ nghèo cần tiếp tục được xã hội hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng nhanh trên 4% và lạm phát cơ bản gia tăng, các cơ quan chức năng nên xem xét điều chỉnh lại chính sách tài khóa và tiền tệ.

Rủi ro trong khu vực tài chính gia tăng đòi hỏi phải tăng cường giám sát, báo cáo và trích lập dự phòng nợ xấu, đồng thời cải thiện các cơ chế giải quyết vấn đề mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và khu vực ngân hàng.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.